Ôngơi!KhinàoÔngsẽtrởvề?
Ông ơi! Khi nào Ông sẽ trở về?
SinhThanh.XtGem.Com
Đó là câu hỏi mà tôi luôn giữ trong lòng khi nhìn thấy dáng bà cặm cụi bên những con rơm ngày ngày bện chổi. Ông là em trai của Bà ngoại tôi. Ông là người đã cống hiến cả cuộc đời, cả tuổi trẻ cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Là cả cuộc đời theo đúng nghĩa trọn vẹn.
Ông tôi sinh năm 1940. Ông là một Đảng viên, lúc đầu là việc tại nhà máy Gang thép, sau đó làm kế toán ở Tỉnh. Có thể với nhiều người, họ sống một cuộc sống bình yên và gắn bó với công việc lý tưởng đó. Thế nhưng, năm 1966 ông tôi lại từ bỏ tất cả để tình nguyện xin nhập ngũ, khoác ba lô vào chiến trường đánh giặc cứu nước, nơi mưa bom bão đạn nguy hiểm khôn cùng. Ông tôi là con trai duy nhất trong gia đình nên không nằm trong diện bắt buộc nhập ngũ. Tôi đã không ngăn được dòng nước trong veo nhưng măn chát trào ra từ khóe mắt vì quá xúc động, quá tự hào khi nghe Bà kể đến đây! Ông tôi cũng như những thế hệ cha anh đi trước đã thực sự hy sinh cho tương lai của chúng tôi rất nhiều. Sự hy sinh mà có lẽ không thể nói hết bằng lời!
Ông tôi đã từng lập gia đình nhưng hai người quyết định chia tay mà không có lấy một đứa con trước khi Ông vào chiến trường. Ông không muốn một người con gái phải chờ đợi mình trong mòn mỏi và vô vọng. Vậy là ông lên đường , để lại phía sau là trái tim đau đớn của người Mẹ, là sự xót xa của người chị.
Khi hành quân vào chiến trường miền Nam, đến dãy Trường Sơn, bom đạn oanh tạc ác liệt, Ông tôi đã viết một lá thư về nhà và đó cũng là lá thư duy nhất. Tất cả không chỉ lưu giữ trong trí nhớ tôi mà nó đã khắc sâu trong trái tim tôi từng từ từng chữ:… “ Bây giờ em vào chiến trường, phần sống thì ít, phần chết thì nhiều, em biết em thất hiếu với Mẹ. Chị cố gắng chăm sóc Mẹ. Nếu em có mệnh hệ gì thì chị cũng tự hào vỗ ngực vì có người em gánh vác cách mạng…”. Bà tôi nói rằng, nhờ dòng chữ đó mà Bà đã vượt qua tất cả. Không chỉ chăm sóc Mẹ tốt mà Bà còn hăng hái tham gia cách mạng. Còn riêng tôi, sao tôi có thể không tự hào, không thấy mình quá hạnh phúc khi là cháu gái của người ông là một chiến sĩ dũng cảm và kiên cường như vậy! Mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi tôi thấy nản lòng, chính những lời nói đó của Ông khiến tôi thấy mình cần phải cố gắng đứng lên và bước tiếp.
Ảnh minh họa
Ông tôi hy sinh ngày 22 tháng 10 năm 1970 ở mặt trận phía Nam. Đến năm 1972 thì mới có giấy báo tử gửi về. Nỗi đau đè nặng lên hai người thân. Nhưng nó còn kéo dài và ghim sâu vào trái tim người chị gái khi hài cốt của em trai không biết đang nằm ở đâu. Ông tôi hy sinh mà vẫn chưa tìm được hài cốt. Trong giấy báo tử chỉ ghi là hy sinh tại chiến trường miền Nam. Bà bảo không biết phải tìm ông ở đâu bây giờ. Mỗi khi theo dõi chương trình cầu truyền hình trực tiếp ngày 27 tháng 7, tôi luôn hy vọng rằng hài cốt của Ông tôi sẽ là một trong những ngôi mộ liệt sỹ vô danh ở đó. Ông tôi sẽ không cô đơn vì bên cạnh Ông còn là các đồng đội. Nhưng tôi cũng rất sợ khi nghĩ tới hài cốt của Ông đang nằm ở một nơi nào đó mà không còn được nguyên vẹn…
Vẫn biết rằng chiến tranh đi qua sẽ để lại rất nhiều mất mát, đau thương, nhưng có lẽ phải là người trong cuộc, đang bị nỗi đau đó giày vò hàng giờ thì mới biết chiến tranh khủng khiếp như thế nào!
Ngày 30 tháng 4 - Tôi gọi đó là “ngày đoàn tụ”. Đường phố sẽ rực rỡ cờ hoa. Tôi sẽ lại lạc lõng giữa dòng người tấp lập, sẽ thấy trống trải và xót xa biết bao khi nhớ về dáng Bà cặm cụi đan chổi. Lưng Bà đã còng nhiều hơn, mắt Bà đã không còn tinh anh như trước nữa. Tôi không biết đến khi nào, tâm nguyện đón được Ông về nhà của Bà hoàn thành. Câu hỏi “ khi nào Ông sẽ trở về?” của tôi đến khi nào sẽ có được đáp án đây?
Tôi chỉ biết rằng Ông mãi là niềm tự hào của tôi.
Viết gửi tới Ông ,
“ Tổ quốc ghi công
Liệt sỹ: Nguyễn Hồng Hải – Thượng sỹ quân đội nhân dân Việt Nam – nguyên quán xã Lương Phú- huyện Phú Bình – tỉnh Bắc Thái. Đã hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 22 tháng 10 năm 1970.”
SinhThanh.XtGem.Com