Chuyện đi đám, với mấy thím ở quê, bao giờ cũng có tổng kết, có dư vị. Tiệc cưới tàn, họ tranh cãi món nào ngon nhất và dư bao nhiêu… mâm. Đám giỗ tàn, họ bình luận con cháu nhà đó về đủ mặt không. Tang lễ tàn, câu chuyện dọc dài trên con đường về là người nhà ấy ai than khóc nhiều nhất cho kẻ vừa nằm xuống. Đám nào nhiều nước mắt, không hiểu sao mấy thím thấy sướng rơn, bàn tán, nhắc nhớ hoài. Bằng ngược lại, sẽ có nhiều thím chắc lưỡi than đám tang buồn (!). Sáng nay, tiễn một người trong xóm về với đất, bước chân ra về, ai đó buông lời than, “…chỉ có đứa con gái, đã vậy, con nhỏ còn không khóc”.
Không, không phải, chị đã khóc trong thầm lặng, khóc mê mãi suốt những ngày qua. Tôi thấy lúc bưng mâm cơm ra mời khách viếng, phía lưng chị rất buồn như ai đó bẻ cong oằn. Tôi thấy chị đứng múc nước mưa bên hè, chiếc gàu trên tay chới với như cái lu không đáy. Tôi thấy chị ngồi lau mớ chén đũa, mắt nhìn mà mắt trống không. Tôi thấy chị lảo đảo khi bước qua chiếc võng xưa cha chị hay nằm. Tôi thấy tấm giấy vàng mã run lẩy bẩy, lém vào tay chị trước khi hóa tro. Tôi thấy tàn nhang rụng trên da thịt nhưng chị không chút phản ứng nào. Tôi thấy chị dựa vào tường để lần đi, đôi khi. Nhưng khoảnh khắc ấy thường rất mau, chị lại tong tả trong bếp, ngoài sân, chị có quá nhiều việc phải làm để tang lễ diễn ra được chu đáo và hoàn hảo.
Cứ mỗi lần hướng mắt về chị, tôi lại thấy nỗi đau hiện lên đâu đó, trên từng sợi tóc rối bung, từng bước chân ríu vào nhau, từng cái chào tiễn khách ra về. Một nỗi đau không được giải thoát bằng nước mắt, và nó đang quặn từng cơn, vò xé, dãy dụa trong lòng người. Tôi nhớ bộ phim Hàn Quốc đã được xem lâu lắm, có một nhân vật nữ bị chồng ruồng bỏ. Trong khi chị đi tìm việc làm để nuôi con thì đứa bé cảm lạnh chết. Nhân vật không hề khóc, nét mặt ráo hoảnh, chỉ ánh mắt hoảng loạn, đau buốt, tối sầm. Và đêm ấy, người đàn bà xõa tóc, bò quanh tấm nệm mà đứa con từng nằm. Thui thủi. Rã rời.
Cảnh phim ấn tượng đến mức tôi đã quên tên, quên câu chuyện phim nhưng hình ảnh người mẹ bị nỗi đau giày vò trong đêm đen buốt tôi vẫn còn nhớ mồn một.
Cái buồn ấy, ngôn ngữ nước mắt không diễn tả được.
Sau này, mở ti vi coi phim, nhân vật khóc lóc, kêu gào, không hiểu sao tôi chỉ thấy… mắc cười. Ai bắt ép mà thoại trong phim ta cứ lải nhải, “tôi buồn quá, tôi đau khổ quá” và nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt lạnh trơ. Thêm nữa, là nhân vật không chịu khóc một mình, nằng nặc gục đầu vô vai ai đó, mẹ, bạn bè, và… gốc cây. Dường như diễn viên không tự tin là mình có thể cảm động được người xem. Hay không tin rằng khán giả có thể thấu được nỗi buồn mà mình đang cố gắng diễn đạt. Hoặc, người lấy nước mắt để đo tấm lòng nhau vẫn còn ở số đông.
Như mấy thím mà sáng nay chung với tôi một đoạn đường về. Nhưng không trách được, vì xưa nay họ quen sống thật thà, ruột để ngoài da, vui buồn ra mặt. lối đau lặn vào trong họ không thường gặp. Hay tại lòng người trắc trở khó đoán quá, nên họ chỉ biết vịn nụ cười, hay nước mắt mà thương ghét.
Nhiều khi nước mắt cho người ta cảm giác đúng. Nhưng đó không phải thứ ngôn ngữ duy nhất để bày tỏ nỗi đau buồn.
Tôi vẫn thích không nước mắt.
Nguyễn Ngọc Tư