Từ thế kỉ III, đế quốc Rô-ma dần dần lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Từ thế kỉ III, đế quốc Rô-ma dần dần lâm vào tình trạng khủng hoảng. Hìnhthức bóc lột chiếm hữu nô lệ không còn phù hợp. Cuộc đấu tranh của nô lệ dẫn đến tình trạng sản xuất bị sút kém, xã hội rối ren. Trong tình hình đó, đến cuối thế kỉ V, đế quốc Rô-ma bị người Giéc-man từ phương Bắc tràn xuống xâm chiếm. Năm 476, đế quốc Rô-ma bị diệt vong. Chế độ chiếm nô kết thúc ở khu vực Địa Trung Hải, thời đại phong kiến bắt đầu ở châu Âu.
Khi vào lãnh thổ của Rô-ma, người Giéc-man đã thủ tiêu bộ máy nhà nước cũ, thành lập nhiều vương quốc mới cũa họ như vương quốc của người Ăng-glô Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Đông Gốt...
Người Giéc-man còn chiếm ruộng đất của chủ nô Rô-ma cũ rồi chia cho nhau, trong đó các tướng lĩnh quân sự và quý tộc được phần nhiều hơn. Đồng thời, các thủ lĩnh bộ lạc, các quý tộc thị tộc người Giéc-man cũng tự xưng vua, phong các tước vị như công tước, bá tước, nam tước ... tạo nên hệ thống đẳng cấp quý tộc vũ sĩ.
Người Giéc-man cũng từ bỏ các tôn giáo nguyên thuỷ của mình và tiếp thu Kitô giáo. Họ xây dựng nhà thờ và tìm cách chiếm ruộng đất của nông dân. Đồng thời, nhà vua cũng phong tặng đất đai theo tước vị cho các quý tộc và nhà thờ.
Tầng lớp quý tộc tăng lữ được hình thành. Thế là cùng với các quý tộc vũ sĩ và quan lại, quý tộc tăng lữ cũng dần trở thành tầng lớp riêng, vừa có đặc quyền vừa rất giàu có. Họ trở thành các lãnh chúa phong kiến, còn nô lệ và nông dân thì biến thành nông nô, phụ thuộc vào các lãnh chúa. Quan hệ sản xuất phong kiến ở châu Âu đã được hình thành. Quá trình này diễn ra rõ nét và mạnh mẽ nhất ở Vương quốc Phơ-răng.