dream cũ của Bố thường bỏ không. Lúc đó 1 phần sĩ diện, 1 phần Tôi cũng muốn sẽ đưa em đi một cách an toàn nhất…chiếc xe dựng góc nhà và 2 cái MBH, chỉ còn chờ mà thôi.
Tôi còn nhớ đó là sáng mùng 6 tết 2009…dậy sớm hơn thường lệ. Trời hơi se lạnh với cái đất Lạng Sơn này thì thế cũng đã đủ để người ta không tắm vào buổi sáng dù có cần thiết đến như nào, nhưng Tôi thì đã làm vậy. Phải chuẩn bị mọi thứ thật hoàn hảo…9h, Tôi dắt xe ra khỏi nhà. Chỉ chưa đến 10 phút, ngôi nhà của em đã hiện ra trước mắt. Khẽ móc cái mobile ra nhắn 1 tin cho em ^^…cảm giác chờ đợi. Khẽ ngước lên thấy trời xanh quá. Nhìn đường đã lại tấp nập người lại…sắp hết tết rồi. Lại cái cảm giác hồi hộp…có lúc ngột ngạt đến khó thở. Tưởng tượng ra sao nhỉ: Em sẽ đi ra – hình bóng quen thuộc mà Tôi đã ghi sâu trong tâm trí từ lúc còn là 1 thằng bé mới lớn, khẽ mỉm cười…chắc hẳn hôm nay em sẽ xinh lắm đây. Khẽ lẩm nhẩm trong miệng 1 bài hát…Liếc xéo vào màn hình cái di động cùi, 9h25…Chợt, Tôi cảm thấy như chết trân, không nói được lời nào…
…đằng xa là tốp bạn cấp 2. Tưởng chúng nó chỉ vô tình đi qua. Nhưng không…đứa nào lại nổi hứng rồi rủ nhau hôm nay sẽ mời cô chủ nhiệm đi hát. Cái cảm giác khó xử và bực tức len lên trong suy nghĩ. Phải làm sao đây? Mấy đứa đã cho xe leo lên vỉa hè nhà em rồi…Sau khi khó khăn lắm mới qua đc vòng tra khảo của chúng nó, Tôi cũng đành theo sau vào nhà em. Định bụng rằng sẽ nhắn tin cho em, tìm 1 cách nào đó từ chối khéo. Có vẻ em cũng hiểu được…nhưng lũ bạn có vẻ nài dữ lắm. Hôm nay là mùng 6, mùng 7 phải đi rồi. Phải làm sao? Em lại cười rồi…có vẻ dự định của Tôi đã đổ bể. Tôi cố xoa dịu và trấn an bản thân: không đi ban ngày thì ta đi tối, dù sao thì mình cũng sẽ cố gắng để có khoảng thời gian bên em. Nói hết mọi điều, mọi suy nghĩ…nói tất cả những điều mà đáng lẽ ra phải được nói, phải làm bằng bất cứ giá nào.
Vậy là lại đi…lần này một đứa bạn gái tranh đèo em đi. Tôi cũng chẳng còn cách nào khác…Và ngồi sau xe lúc này cũng là 1 người. Cũng có thể nói là 1 kỉ niệm khác với Tôi. Cao ráo hơn, có phần xinh hơn em…lúc trước Tôi cũng có chút tình cảm với người ấy. Nhưng có lẽ chỉ là bồng bột và suy nghĩ của trẻ con…Nó kết thúc nhanh chóng, ko để lại ấn tượng sâu đậm, ko thể là hình bóng ám ảnh Tôi lâu như em đc. Cho đến bây giờ, Tôi vẫn không thể tự trả lời: lúc đó em có 1 chút gì đó g.h.e.n nên mới xử sự với mình như thế. Hay là Tôi đã quá tin vào 1 cái gì đó – cái mà Tôi đã nhắc đến nói không biết bao nhiêu lần rồi: xưa và cũ, quá khứ và xa vời, hiện tại và thực tế phũ phàng…Câu chuyện cũ ở quán karaoke mỗi lần nhớ lại, không gì khác hơn là 1 nỗi đau nơi trái tim, dằn vặt của tâm trí, nhiều câu hỏi về em mà đến giờ vẫn không-thể-tự-trả-lời hay theo 1 cách mà nhiều người bạn vẫn bảo Tôi câu trả lời thì bản thân đã có sẵn, chỉ là chưa hay không-thể-chấp-nhận. 1 sự cố chấp cố hữu của lí trí và trái tim? Hay đó là bởi vì: đi hết cả cuộc đời này thì Tôi cũng chẳng đủ can đảm và niềm tin để bắt đầu 1 tình cảm khác cho riêng mình?
Quán Sắc màu…nhớ mang máng là cái phòng tầng 2 ở trong cùng. Khoảng 14 người. Em ngồi cùng mấy đứa con gái, Tôi lại chọn chỗ đối diện với em. Lại nhìn, ngắm nét mặt em cũng thấy vui vui. Lâu lắm rồi mới thấy em cười…nhiều như thế. Em cận khá nặng…vẫn nhớ cái cảm giác nhìn mắt em khi bỏ kính ra. Phải gọi như thế nào nhỉ? Ánh mắt ấy trông sâu thẳm, có nét buồn nhưng vẫn đẹp vô cùng, phải nói là hút tâm trí người đối diện. Còn nụ cười khi có đôi gọng kính…có lẽ như câu mà Tôi rất thích dùng lúc trước viết văn: Nụ cười như mùa thu tỏa nắng ^^. Rồi nghe em hát…Nhưng rồi thì điều Tôi không ngờ đc, đúng hơn là không bao giờ sẽ nghĩ ngày hôm nay, ngày mà nghĩ sẽ vô cùng đẹp và đáng nhớ…ngày hôm nay sẽ kết thúc như vậy, 1 kết thúc như vậy. Vẫn công nhận là mình không phải là thằng kiềm chế giỏi…Thằng bạn mới đến. Học cùng lớp cấp 2 và cấp 3 thì chung lớp với em. Cái cảm giác Tôi có sau đó, tắc nghẹn đến nỗi không nói nổi lời nào nữa…Em thản nhiên đùa nghịch với nó, rồi đủ trò. Tôi không chắc đó có phải ghen hay không…chỉ là cảm thấy bức bối, nghẹn ngào xen thất vọng và buồn – nỗi buồn không phương cách nào có thể diễn tả hết được. Cho dù sau này, Tôi biết rằng em và nó cũng chẳng có gì với nhau…và Tôi không thể biện minh cho nhửng xử sự của mình sau đó. Nhưng có ai hiểu cho Tôi? Có ai hiểu sự thất vọng lúc đó của Tôi? Quá yêu em? Tình cảm đối với em quá lớn đã làm lu mờ tất cả. Bao năm qua, nỗi nhớ em, nỗi đau quá khứ ngủ yên thì ngày hôm nay lại bùng cháy…không thể dồn nén được nữa…
Rượu? Đã có ai ngồi một mình mà tự cầm chén lên tự uống…cảm giác cái vị đắng, cay và nồng của men. Từng chén, từng chén…Tôi chưa thử mà chắc cũng ko bao giờ dám thử cái cảm giác ngồi một mình. Đã uống là phải được nói…Không được nói thì phí rượu rồi. Mình nói cho mình mình nghe thì con ra thể thống gì nữa ^^. Uống 1 mình thì đúng chưa thử nhưng chỉ 1 mình uống thì đó là lần đầu tiên…Gọi ra 2 lít rượu. Sương mai – không nặng nhưng cũng ko phải là nhẹ. Mới đầu còn mời mỗi thằng 1 chén…hình như có 4 thằng. Dừng lại, ngước nhìn em một lần. Cái cảm giác đau lại trào lên trong tâm trí. Rót vào cốc và tự mình uống.
Uống? Và như 1 thằng điên…không phải cảm giác sĩ diện, muốn chứng tỏ 1 điều ngu ngốc nào đó, cũng ko phải muốn nói Tôi đang giận em. Tôi chỉ nghĩ lúc ấy rượu sẽ làm mình bình tĩnh, rượu sẽ đè nén nỗi đau và buồn đang cồn cào. Sốc…chắc lần đầu uống nhiều như thế. Với 1 thằng 1m68, thân hình còi cọc lúc đó chỉ khoảng 48kg lại ít thể dục thể thao, ít rượu chè…cái cốc gần 1/3 của chai nửa lít có vẻ vẫn quá sức. Đầu nóng bừng, nhưng mặt vẫn không đến nỗi đỏ gay. Bất giác, bắt gặp ánh mắt em nhìn Tôi…Tôi không nói gì, uống tiếp mặc lũ bạn can ngăn…chỉ nhìn trân trân về phía em. Em không còn cười đùa với thằng kia nữa. Em cảm thấy có lỗi với Tôi chăng?
Thuốc? Lần đầu tiên cầm đến điếu thuốc. Ngẫm nghĩ lại nhiều lúc thấy khá là hài hước. Trước kia thì Tôi không thể chịu nổi khói thuốc. Bệnh viêm mũi dị ứng bị từ nhỏ…Nhưng khi uống rượu vào, cảm thấy thèm 1 điếu. Trc vẫn nghe lũ bạn bảo rằng: uống xong có tí khói vào là rất dễ chịu…có lẽ vậy. Còn giờ đây, cảm thấy nó đắng ngắt…Chúng nó ngăn Tôi uống nốt chỗ rượu còn lại. Chắc cũng chỉ còn khoảng chưa đến ½ lít nữa. Hơn 1 lít vào người, không còn thấy buồn, chắc nó đã dịu lại, chỉ còn thấy trống rỗng tất cả. Dí míc vào tay, em lớp trưởng bắt tôi hát. Hài thật…Lắc đầu và bỏ ra ngoài Tôi vẫn nghenghe sau lưng vang lên giai điệu bài Dường như ta đã…
Mây buồn trôi mãi, trôi về nơi xa
Mây cũng tiếc nuối tình chúng ta những ngày qua
Mây buồn tha thiết, áng mây trôi đi lặng lẽ
Cuộc tình ngày nào nay thôi cũng trùng xa mãi
Ngoài kia mưa đã rơi như giọt nước mắt không lời
Tình yêu đó sẽ mãi chỉ là giấc mơ như ngày thơ
Thôi đừng xa cách, thôi tình đã mất,
Em quay lưng cho nước mắt dâng tràn đôi mi
Mây buồn trôi mãi, trôi về nơi xa
Mây cũng tiếc nuối tình chúng ta những ngày qua
Mây buồn tha thiết, áng mây trôi đi lặng lẽ
Cuộc tình ngày nào nay thôi cũng trùng xa mãi
Phòng hát cũng tan sau đó khoảng 15 phút…lục tục ra lấy xe để đi về. Tôi dắt ra xe cuối, và chống chân đứng đợi. Vì chắc chắn phải đưa mấy đứa con gái không mang xe về. Vẫn tỉnh, nhưng rượu chắc giờ ngấm. Hơi gió nữa, cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng xua bớt đi cái nóng bức của hơi cồn. Chắc đứa nào cũng sợ đi xe Tôi bây giờ ^^. Cũng phải thôi, khi không đi cùng thằng điên điên lại đang say, lỡ ra thì…Tôi thấy em ngần ngừ và cuối cùng không hiểu sao ngoan ngoãn ngồi sau xe. Khẽ níu lưng áo và bảo Tôi đi chậm thôi không lạnh. Lũ bạn cứ bảo em lái thay Tôi nhưng Tôi biết Tôi còn đủ tỉnh táo để đi và không đời nào làm vậy, cả chuyện em không quen đi xe số vì chiều cao hạn chế của mình nữa…Một phần vì rượu lúc này đã ngấm dần, hơi váng đầu, Tôi cảm thấy nhẹ bẫng. Chân tay đã mất đi một phần cảm giác nhưng vẫn nghe lời…Tôi cố đi chậm, tìm cách tách dần ra khỏi nhóm bạn. Em sợ xảy ra chuyện gì, hay muốn đi cùng lũ bạn Tôi cũng chẳng rõ nữa, cứ bắt Tôi phải đi cùng tốp kia…
Cuối cùng thì đã đến đoạn ngã tư…nhóm đã tan dần. Còn cách nhà em khoảng 500m nữa. Tôi đột ngột rẽ sang đường khác…em ban đầu tưởng Tôi làm gì, hỏi dồn sau lưng: Kìa, sai đường rồi. Không say đấy chứ? Không trả lời, Tôi cứ đi. Trong đầu nghĩ: vẫn sẽ đưa em về nhà, chỉ là nới rộng khoảng cách ra một chút…khoảng 2km. Tôi muốn nói với em những lời phải nói, những lời mà có lẽ khi tỉnh táo Tôi chẳng đủ can đảm…Tôi không nhớ hết đã nói với em những gì, đã hét, đã gào lên những gì…Cảm thấy mình đang là 1 thằng hề, bị đùa bỡn…Tôi đã nói rất nhiều trên đoạn đường ấy. “Th có biết tớ đã nhớ th như thế nào không? Th có biết bao năm đã qua nhưng trong tâm trí tớ vẫn vẹn nguyên hình bóng của bạn không? Th có biết những dằn vặt, khổ tâm của tớ mỗi khi nhớ đến bạn không? Th có biết tại sao từ sau lần ấy tớ đã không một lần gặp lại Th không?…” Tôi cũng không rõ lúc ấy ở đằng sau lưng, em như thế nào. Hình như em nói điều gì đó, ngập ngừng, không nghe rõ…Tai tôi đang ù ù đi. Tay chân đã không còn cảm giác, lúc này chỉ theo cảm tính mà đi. Tôi không muốn điều gì xảy ra với em cả. Câu cuối cùng Tôi nói trước khi dừng ở nhà em là: “Chắc lời mời đi chơi riêng của tớ hôm nay là vô giá trị rồi. Nó chẳng là gì cả, cũng ko quan trọng với bất cứ ai cả”. Sau câu nói đó, tôi định sẽ phóng thật nhanh đi…Em níu tay Tôi: “Đừng nói thế, dù sao…”. Hơi ngập ngừng: “Hay là vào nhà Th đã. Đang say thế này đi nguy hiểm lắm”. Em thương hại Tôi? Lúc đó Tôi chỉ nghĩ được như thế. “ Mình ngại lắm, tớ không muốn người nhà Th trông thấy tớ lúc này. Tệ lắm đúng không? ” “ Có gì mà phải ngại. Cũng có ai đâu…” “ Sao lại không có ai” “ Thì chỉ có mẹ, chị và em Th thôi mà ”…Tôi quyết định là mình sẽ không thể vào. Vào thì sẽ nói gì, làm gì. Có khi còn tệ hơn nữa. “ Không sao…mình vẫn tự về nhà được. Đã đưa bạn về được thì tớ cũng tự về được”…Em chỉ nhìn Tôi, không đáp. “ Cho mình 1 tấm ảnh Th, lần cuối được không?” “ Cái mà gì mà cuối với chả đầu” “ Nói nghe khó hiểu quá à”…Tôi không đáp, móc con di động cùi ra. Tóc hơi rối vì đi gió nhưng trông em vẫn rất xinh. Hai má ửng hồng…chắc vì lúc ở quán có uống 1 chút rượu. Nghĩ vậy, Tôi đưa di động lên ngắm…Em cười – có lẽ đây là lần cuối cùng em cười vì Tôi, yêu cầu của 1 thằng đang có men trong người. Tôi còn cố nài em thêm 1 pô nữa nhưng nàng ko chịu =)), cố phá.
Đút phịch cái điện thoại vào túi quần. Tôi phóng đi…nhớ lại lúc đó xe hơi nghiêng, trong 1 khoảnh khắc nghĩ số mình thế là hết. Xòe lúc vào cua, liếc nhìn công-tơ-met lúc này đang chỉ ~ 40…vậy mà cuối cùng không sao, hơi lảo đảo nhưng vẫn đi tiếp. Nhớ là lúc Tôi đi em chỉ đứng yên lặng, không nói gì mà nhìn Tôi. Lúc xe nghiêng suýt ngã là do Tôi cố ngoái lại đằng sau nhìn em đấy chứ…
Về đến nhà. Mở cái cổng. Dắt xe xuống cái dốc nhà Tôi, do nó cao hơn mặt đường hơn 1m nên cũng tí nữa thì bổ nhào nếu Bố không ra đỡ kịp. Không hiểu sao lúc đó khóe mắt Tôi cay cay. Mình – vô dụng vậy sao? “ Con không sao bố ạ, bố cứ mặc con, không sao đâu mà bố…” Tôi vừa nói vừa xua tay loạn xạ ^^…Tôi vẫn ngồi trên cái xe dựng ngoài sân. 1 lúc sau thì chuông điện thoại reo, là em gọi. “ Về nhà chưa? Không sao đấy chứ? Sao không nhắn tin? Đừng để Th lo chứ ” “ Thôi đi, Tôi chẳng cần ai phải lo cho Tôi cả ” “ Tôi có là cái gì của Th mà Th phải lo chứ ” “ Tất cả đã thay đổi rồi, tất cả đã không như trước kia nữa rồi ” – Tiếng Tôi gào lên, lúc này không còn kiềm chế đc nữa. Tôi muốn mình cứng cỏi, Tôi không muốn bố mẹ thấy mình yếu đuối. Nhưng sao vậy? Mắt đang nhòe dần…Hình như, em khóc…“ Bạn có biết bạn bất công như thế nào không? 5 năm không liên lạc, không 1 lá thư…không 1 cái gì hết? Bạn muốn mình phải làm sao bạn mới vừa lòng? Bạn bảo bạn đau khổ, bạn khó xử nên mới không gặp lại mình? Thế còn cảm giác của mình thì sao? ” Tôi nghe tiếng nấc…khá rõ rồi nhỏ dần và cuối cùng là không gian lặng im giữa em và Tôi xen vào. Không còn nghe gì nữa, Tôi cố nhìn vào màn hình điện thoại. Cố lắm mới thấy rõ chữ vì lúc này mắt đang nhòa đi vì nước…Em dập máy rồi…Tôi đã làm em khóc ư? Có đáng không? Tôi quá ngộ nhận về thứ tình cảm đã rất xa rồi? Tôi…
Trở vào nhà. Ai cũng nhìn…Bố mẹ và chị đang ăn cơm. Bố không nói gì, chỉ lắc đầu. Mẹ thì bảo Tôi ngồi xuống uống bát nước canh rau cho tỉnh rượu. Chị thì đi pha nước chanh. Tôi cố ngồi, cố tỏ ra mình chẳng sao cả. Nghe đủ hết lời bố rồi mẹ và chị nói. Tai tôi ong hết cả…Được nửa tiếng thì xin đi nằm. Công nhận có rượu vào dễ ngủ thiệt. Mà người lúc này cũng đang mệt nhoài rồi, chẳng còn nghĩ đc hay cố được cái gì nữa. Tỉnh dậy cũng là lúc cả nhà đã đi ngủ cả rồi. Tự nhiên không hiểu sao nước mắt mình cứ trào ra…tỉnh cơn say là lúc nghĩ lại. Mọi thứ hiện trở lại rõ mồn một. Cái cảm giác tắc nghẹn cũng trở lại. Tôi đã khóc thật sự…Lần thứ 2 kể từ lần đầu khóc vì thất bại đầu đời. Khóc vì 1 người con gái mà mình đã coi là rất quan trọng. Vô cùng quan trọng. Lắm lúc người ấy là nghị lực để sống và vượt qua mọi thứ một mình mà không một ai chia sẻ…cứ thế như vậy, trống rỗng. Có lúc Tôi nấc lên thành tiếng. Buồn cười thật. Sao lại thế này?…
Sáng, lại trống rỗng. Trống rỗng nhưng đầu thì đau. Khát nước…Điều đầu tiên Tôi nghĩ đến là nhắn tin xin lỗi em. Em, không nói gì trách cứ Tôi. Em, bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Em nói, em vẫn coi Tôi là người rất đặc biệt với em. Đã từng là người rất đặc biệt. “ Chúng ta vẫn còn trẻ, chuyện tình cảm hãy để thời gian trả lời. Quan trọng bây giờ là Th và bạn hãy làm sao để chuẩn bị cho 1 tương lai phía sau tốt đẹp nhất ”…rồi “ Lúc trước. Coi như đã 1 lần lỡ lời hứa với Th…giờ thì Th cho bạn 1 cơ hội nữa. 5 năm nữa, hãy lấy 1 tấm bằng xuất sắc. Nếu như lúc đó bạn vẫn chưa có ai, trong trái tim bạn vẫn còn Th thì chúng ta sẽ tiến tiếp những gì đã dang dở. Được chứ? ” Tôi không còn sự lựa chọn nào khác…im lặng.
Mùng 7, tôi ra đi…Khá vắng, lạnh và buồn. Chờ chị đi khuất hẳn. Tôi mua 1 bao thuốc đầu tiên trong đời. Hài hước là 1 tháng sau mà vẫn không hết, cuối cùng đưa cho thằng bạn luôn cả bao. Xuống trường được 2 hôm…em gọi điện cho Tôi. Đầu tiên em tưởng Tôi vẫn ở nhà nên nhắn Tôi sang nhà em ăn cơm tiễn em vào Sài Gòn học tiếp. Em nói nhiều, đại loại là chúc Tôi học hành này nọ, giữ sức khỏe này nọ…nhưng không thể làm Tôi vui được. Những cái đó Tôi không cần, có lẽ nếu em nói ra, Tôi lại nghĩ tôi đang được em thương hại…Đó cũng là lần cuối cùng em gọi điện cho Tôi kể đến bây giờ…Tối hôm đó, biết sáng hôm sau em đi sớm, Tôi lại nhắn tin. Nói những điều vu vơ. Không thể nói điều gì khác được. Không thể…5 năm không gặp lại, Tôi thấy em gầy. Mặc dù có lẽ lúc đó em trông cũng gần ~ số cân nặng của 1 thằng thanh niên còi như Tôi. Chỉ biết nói với em rằng: “ Giữ gìn sức khỏe, thấy Th gầy hơn lúc trước đó…đừng bao giờ quên cái lạnh của LS”. Em lại đùa “ Nói gì vậy hở. Tớ chỉ đi học chứ có đi luôn đâu mà? Định rủa người ta chết mất xác trong đấy à?”. Tôi nhắn tin cho hết thằng bạn thân, rồi đứa em gái nuôi…cũng chỉ 1 câu trả lời: Cố lên, vượt qua nó, quên đi. Niềm tin và hy vọng? Tôi đang có 1 chút gì đó. 5 năm qua nhiều lúc đã sống vì 1 hình bóng mà gắn liền với nó là bao kỉ niệm đẹp, Tôi sẽ tiếp tục 5 năm tiếp theo với 1 lời hứa – có lẽ chỉ là lời hứa thôi sao?
Rất nhiều khi tự hỏi: Tôi, phải làm gì đây? Càng lúc Tôi càng thấy mình như đang rơi vào cái hố sâu được chính mình dựng bằng một niềm tin mỏng manh. Con gái mà, lúc nào chả chọn nước đôi. Không muốn người khác đau khổ cũng tốt, nhưng gieo dắt cho kẻ khác hy vọng để rồi cuối cùng chính mình lại là người dập tắt hy vọng ấy, phá nát niềm tin thì có phải độc ác không? Có lẽ lời hứa chỉ là lời hứa mà thôi. Nó đã rất mong manh rồi, liệu nó có tồn tại được trước cuộc sống khắc nghiệt thay đổi như thế này không? Tôi tự đặt ra quá nhiều những câu hỏi. Hầu như trong đó đã sẵn có câu trả lời rồi. Vẫn chỉ là theo 1 cách nào đó mọi người hay nói: chưa thể chấp nhận hay không thể chấp nhận 1 câu trả lời đã có sẵn…Nhưng Tôi không thể tự tạo ra hy vọng như vậy. Tại sao lại không thể có 1 sự rõ ràng? Tại sao? Công nhận 1 điều rằng, lúc đó Tôi chưa suy nghĩ như bây giờ. 1 suy nghĩ còn khá sáng, chẳng ảm đạm giống hiện tại…
Trong tin nhắn cuối cùng Tôi đã gửi em lúc đó, dòng cuối cùng là câu TO BE CONT…Hoài niệm, cảm giác sẽ còn và tâm trí không lúc nào thôi quên 1 bóng hình. Đó là Tôi…Còn Em và những sự tình cờ ngẫu nhiên có phần trớ trêu lại gây cho Tôi sự đau khổ không dứt cũng còn tiếp diễn. Đến bao giờ? Đến bao giờ mới chấm dứt? 1 câu hỏi mà Tôi không thể tự trả lời…
*****
Chap 10:
Mình muốn chia sẻ với các bác 1 câu chuyện của Anđécxen. 1 câu chuyện cảm động, buồn…và có lẽ cũng là để gợi mở. Gợi mở điều gì, và gợi mở cho cái gì chắc các bác đọc nó sẽ hiểu.
Truyện Anđécxen không chỉ là cổ tích dành cho trẻ con mà còn dành cho cả người lớn. Bởi nó dạy cho người ta biết tin tưởng vào thắng lợi của ánh sáng trước bóng tối và của trái tim người trên cái Ác…
Có thể các bác đã từng đọc nó. Mình cũng vậy, tưởng chừng đã lãng quên trong vô vàn rất nhiều câu chuyện đã từng đọc. Đã từng, là 1 thời học văn, 1 thời cảm nhận trong sáng về vẻ đẹp cuộc sống. Có lẽ, mình cần cảm ơn 1 người anh. 1 người không quen đã nhắc đến câu chuyện trong stt trên face. Tình cờ đọc lại…thật làm con người ta phải suy nghĩ.
***
Bên gốc liễu
Thị trấn Kjoge hoang lạnh nằm ngay bên bờ biển vốn rất đẹp với những cánh đồng phẳng bao quanh, những con đường đi tận đến rừng. Khi ta được sinh ra, là ta được một người mẹ ban cho sự sống, và một miền đất nuôi ta một quê hương mà ta đau đáu suốt đời. Ở đó ta tìm thấy cho riêng mình những thứ tươi đẹp vô ngần, dù đi đến những miền đất lạ có tráng lệ đến đâu trên thế gian, ta vẫn mong về lại chốn cũ. Kjoge cũng là một quê hương như thế. Câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe xảy ra ở ngoại ô của trị trấn, nơi có những khu vườn khiêm tốn nằm dọc hai bên con sông nhỏ chảy ra biển, những khu vườn thực sự đẹp vào mỗi mùa hè.
Có hai đứa trẻ thường chui tắt qua hai trong những khu vườn như thế, dưới những bụi cây lý gai rậm để chơi đùa với nhau. Vườn bên này có một cây cơm cháy, còn bên kia có một cây liễu già. Chẳng hiểu sao hai đứa trẻ thích chơi dưới hai gốc cây già này lắm. Dẫu hai gốc cây rất gần bờ sông và chúng có thể dễ bị rơi xuống nước, cha mẹ chúng vẫn cho phép chúng chơi ở đó. Có lẽ Chúa đã che chở lũ trẻ, nếu không nơi đó thật chẳng bao giờ an toàn. Cũng may là, cả hai đứa đều cẩn thận không tới gần nước, thậm chí cậu bé trai còn rất sợ nước. Cậu sợ đến mức mỗi mùa hè oi bức, tất cả những đứa trẻ khác đều đùa nghịch dưới nước biển, chúng cũng không tài nào dỗ cậu tham gia cùng được. Bọn trẻ đôi lúc chế nhạo, nhưng cậu bé cứ lầm lì chịu đựng. Một lần Joanna (tên của bé gái) mơ thấy mình lái một con thuyền lướt sóng và Knud (tên bé trai) lội xuống nước cùng đi với em. Nước ngập đến tận cổ, lên qua cả đầu và cậu bé biến mất. Joanna kể lại giấc mơ cho Knud và cậu bé cười hết sức hả hê. Sau giấc mơ Knud vẫn là cậu bé sợ nước. Nhưng trong thâm tâm, Knud nghiễm nhiên coi như đó là một việc làm can đảm nhất của em vậy.
Cha mẹ các em rất nghèo, họ thường ngồi với nhau và nhìn hai đứa trẻ chơi đùa trong vườn hay ngoài đường. Con đường chạy dọc giữa hai hàng liễu và song song với một con mương. Hai hàng liễu bị cắt ngọn, tất nhiên chúng được trồng để lấy gỗ hay làm củi chứ chẳng phải cho một cảnh đẹp nào. Thế nên cây liễu già trong vườn đẹp hơn, và hai đứa trẻ thích ngồi dưới gốc cây ấy. Trong thị trấn có một khoảng rộng dùng làm nơi họp chợ. Tới phiên chợ người ta dựng lên những dãy phố dài toàn bằng lều và rạp. Trong những cái rạp ấy nào là những dải lụa màu, những đồ chơi, giày ủng, và mọi thứ ta muốn mua. Toàn người là người, họ chen chúc nhau, những ngày mưa nước bắn cả lên những chiếc áo khoác len đang mặc hay đang bày bán. Nhưng không vì thế mà ta không thấy được mùi thơm phức quyến rũ của những chiếc bánh mật và bánh gừng trong một hàng bánh nhỏ. Hàng bánh ấy đặc biệt bởi có bác chủ hàng rất tuyệt. Cứ đến phiên chợ bác lại ở trọ nhà cha mẹ Knud. Thỉnh thoảng em lại nhận được bánh gừng của bác làm quà, và tất nhiên một nửa số bánh ấy em sẽ dành cho Joanna. Bác hàng bánh có biệt tài kể chuyện rất hay. Một buổi tối nọ, bác kể câu chuyện về chính những chiếc bánh gừng của của mình, một câu chuyện làm hai đứa trẻ xúc động đến suốt đời. Câu chuyện cũng chẳng dài lắm, nên tôi sẽ kể ra đây cho các bạn nghe.
“Ngày xửa ngày xưa”, bác cất giọng, “trong số bánh của nhà bác có hai cái bánh hình người, một anh con trai đầu đội mũ và một chị con gái để tóc trần. Họ chỉ có mặt người xinh xắn phía trước, ở mặt sau thì rất khác. Ờ, mà con người thật ta cũng thế nhỉ, cái mặt tốt đẹp nhất chính là cái mà ta cẩn thận thể hiện ra trước người khác đấy thôi. Phía ngực trái của chàng trai bánh gừng, chỗ có trái tim ấy, là một hạnh nhân đắng, còn cô gái thì được làm hoàn toàn bằng bánh mật nhé. Họ cùng được bày làm mẫu trong tủ hàng của bác, cùng nhau ở đấy lâu lắm, lâu đến nỗi cuối cùng đâm ra yêu nhau. Nhưng họ chẳng hề tỏ tình với nhau bao giờ, chúng ta không nên làm thế nếu muốn tình cảm của mình đi xa hơn các cháu nhỉ. Cô gái bánh gừng nghĩ thầm “anh ấy là con trai, anh ấy nên nói trước”. Cô cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc và tin tình yêu sẽ đến. Còn chàng trai thì nhiều tham vọng hơn, đàn ông thường vẫn thế mà. Chàng mơ thấy mình là một đứa trẻ thật ở ngoài phố, như biết bao đứa vẫn đi qua trước quầy bánh hàng ngày, và ước có được bốn xu tiền thật, chàng sẽ dùng để mua nàng mà ngấu nghiến, đàn ông thì phải ăn ngấu nghiến những gì họ yêu mà.
Đôi bánh gừng vẫn cứ nằm trong tủ từng ngày, từng tuần đến khô cứng lại. Suy nghĩ của cô gái ngày càng trở nên đa cảm và nữ tính hơn. Một hôm nàng nói “ta được ở bên chàng lâu đến thế này cũng hạnh phúc lắm rồi”. Rồi nàng vỡ làm đôi.
Chàng trai nghẹn ngào, “nếu nàng biết tình yêu của ta thì chắc hẳn nàng đã cố để sống bên ta lâu hơn rồi”.
Bác hàng bánh nói tiếp: “Câu chuyện chỉ có thế. Và đây chính là hai chiếc bánh ta vừa kể cho các cháu. Vậy là các cháu biết rồi nhé, tình yêu câm lặng rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Đây, hai chiếc bánh này là dành cho các cháu”. Bác đưa Joanna chiếc bánh hình người con trai hãy còn nguyên vẹn. Knud được hai mảnh trước kia là chiếc bánh hình cô con gái. Hai đứa trẻ xúc động vì câu chuyện đến nỗi không nỡ ăn cặp tình nhân bánh ấy.
Hôm sau, chúng đem họ ra nghĩa địa. Chúng ngồi xuống cỏ, nơi đây bên tường nhà thờ từ hạ sang đông phủ đầy những tràng hoa trường xuân. Chúng đặt hai chiếc bánh ngọt vào một cái khám xây trong tường giữa đám hoa lá tràn đầy ánh nắng và kể lại câu chuyện về mối tình câm lặng chẳng đi đến đâu cho một lũ trẻ con khác nghe.
Đứa nào cũng đồng ý câu chuyện thật là thú vị. Nhưng khi Knud và Joanna xem lại cặp tình nhân bánh thì cô gái bị vỡ đã biến mất. Một đứa con trai lớn trong bọn đã ăn mất rồi. Lúc đầu Knud và Joanna khóc sướt mướt, sau hai đứa nghĩ là không nên để chàng trai tội nghiệp phải sống một mình trên đời, chúng đem chàng ra ăn nốt. Còn câu chuyện tình lặng lẽ kia thì hai đứa khắc vào trong lòng.
Chúng tiếp tục chơi với nhau bên cây cơm cháy và dưới gốc liễu già. Cô gái nhỏ hát những bài ca hay nhất trên đời, bằng một giọng trong vắt như tiếng chuông bạc. Knud vụng về không có giọng hát hay nhưng em thuộc lòng lời của những bài ca ấy. Mỗi khi Joana hát, dân ở Kjoge ai cũng dừng lại nghe, ngay cả vợ ông chủ hiệu đồ chơi đã từng sống ở kinh đô cũng nói: “Giọng hát của cô bé ngọt ngào đến phi thường”.
Những ngày hạnh phúc chẳng được bao lâu thì hai gia đình phải xa nhau. Mẹ Joanna chết và bố em định lấy vợ khác ở tận kinh đô. Nghe nói ở đó có một cửa hiệu buôn lớn hứa thuê ông làm người chạy giấy. Hai nhà láng giềng chia tay trong nước mắt của hai đứa trẻ. Những người lớn hứa viết thư cho nhau mỗi năm ít nhất một lần.
Knud được gửi học nghề tại một hiệu đóng giầy. Cậu đã lớn và không thể lông bông thêm được nữa. Hơn nữa cũng sắp đến lúc cậu được chịu lễ Ban Thánh thể. Chà, thật hạnh phúc biết bao giá như trong ngày hội ấy cậu được ra Copenhagen gặp Joanna. Nhưng chắc cậu vẫn phải ở lại thị trấn Kjoge thôi, thật khó có cơ hội trông thấy thành phố hùng vĩ ấy, dù chỉ cách thị trấn có năm dặm đường. Knud thường dõi mắt qua vịnh mỗi buổi chiều và thấy những ngọn tháp cao của Copenhagen. Hôm chịu lễ Ban Thánh thể cậu còn trông thấy rõ ràng cây thánh giá của Nhà thờ lớn lấp lánh dưới ánh mặt trời. Knud tự hỏi liệu Joanna có còn nghĩ đến cậu không? Có lẽ là có đấy. Vào dịp lễ Noel cha Joanna có gửi một bức thư nói rằng họ sống ở Copenhagen rất khá giả và đặc biệt giọng hát tuyệt vời của cô hứa hẹn một tương lai rực rỡ. Joanna đang được hát tại một dàn hợp xướng, cô bé sớm kiếm được tiền nhờ ca hát, và chính cô còn gửi cho nhà láng giềng thân mến ở Kjoge một đồng tiền vàng để làm quà tối Noel. Cô tự tay viết một câu vào phần tái bút trong bức thư: “Thân mến gửi Knud”.
Cả gia đình Knud đã khóc, những tin vui ấy làm họ khóc vì vui sướng. Ngày nào hình ảnh Joanna cũng xâm chiếm tâm hồn Knud, giờ đây cậu tin rằng cô cũng nghĩ đến mình. Gần đến ngày hết hạn học việc, Knud cảm nhận thấy rõ một tình yêu dành cho Joanna, cậu nhất định sẽ lấy Joanna làm vợ. Nghĩ đến đây môi cậu mỉm một nụ cười, và những đường chỉ khâu giày của cậu bỗng nhanh hơn, cậu tì mạnh vào đai da đến nỗi đâm cả vào ngón tay một lỗ sâu, nhưng cái đó cũng chẳng hề gì! Cậu tự dặn lòng sẽ chẳng bao giờ đóng vai một người tình câm lặng như câu chuyện đôi tình nhân bánh gừng ngày nào.
Thế là, chàng Knud thành một thợ giày thực thụ. Ba lô trên vai, chàng ra Copenhagen nhận việc, có một ông chủ hiệu đã hứa mướn chàng ở đó. Joanna sẽ ngạc nhiên vui mừng biết mấy! Năm nay nàng đã mười bảy và chàng mười chín. Chàng muốn mua cho nàng một chiếc nhẫn vàng ngay ở Kjoge, nhưng ở Copenhagen chắc còn có nhiều cái đẹp hơn. Một ngày thu muộn, dưới trời mưa, chàng bước chân rời thành phố chôn nhau cắt rốn. Lúc đó lá rụng nhiều, chàng tới kinh đô, ướt từ đầu đến chân trước cửa nhà ông chủ mới.
Chủ nhật ngay sau đấy chàng vội vã đến thăm nhà Joanna. Thắng bộ quần áo và cả chiếc mũ mới mua ở Kjoge, Knud rời phòng trọ. Hỏi thăm một hồi lâu mới đến được nhà Joanna, trên đường đi chàng thấy kinh sợ khi nhìn những ngôi nhà quá nhiều tầng. Sao người ta có thể sống chồng chất lên nhau trong cái thứ ấy nhỉ? Ở thành phố thật là khủng khiếp…
Đó là một căn hộ có vẻ khá giả, cha Joanna tiếp chàng một cách thân mật. Người vợ kế của ông chưa từng biết Knud, tuy nhiên bà cũng bắt tay chàng và mời chàng mmột ly nước ấm.
“Joanna chắc chắn sẽ rất mừng gặp lại cháu”, người cha nói, “Cháu đã trở thành một người đàn ông thực thụ rồi đấy! Để bác đưa cháu đi gặp nó ngay nhé, ôi nó là đứa con tốt biết bao, nó làm bác hạnh phúc biết bao. Ơn Chúa, rồi nó sẽ còn làm bác hạnh phúc hơn thế nữa. Em nó có một căn buồng riêng, tự nó trả tiền thuê đấy”. Và người cha nhẹ nhàng gõ cửa căn phòng, hệt như ông là một khách lạ. Căn phòng nhỏ mới đẹp làm sao! Chẳng thể nào tìm thấy ở Kjoge một căn phòng như thế. Đến phòng của nữ hoàng chắc cũng chẳng mấy đẹp hơn đâu nhỉ. Nào là thảm trải phòng, thảm trải cầu thang, rèm cửa rủ xuống tận đất. Đâu cũng có hoa và tranh ảnh. Một cái ghế bọc nhung, một tấm gương lớn như cánh cửa, gương trong đến nỗi ta dễ lầm bước vào vì tưởng đấy cũng là một căn phòng…Mỗi một trong những thứ này chỉ thoáng qua mắt Knud giây lát, rồi ánh mắt chàng lại quay về với Joanna đang đứng trước mặt chàng. Nàng đã lớn và khác với người mà Knud hằng tưởng tượng, nàng đẹp hơn rất nhiều. Có lẽ khắp thị trấn Kjoge không có một thiếu nữ nào đẹp bằng nàng. Qua một thoáng ngạc nhiên, nàng lao về phía chàng và dường như sắp ôm hôn ngay chàng, nhưng lại thôi. Nàng tỏ ra hết sức vui mừng được gặp lại người bạn thời thơ ấu, mừng đến chảy cả nước mắt. Nàng hỏi Knud không biết bao nhiêu là câu, về cha mẹ chàng, về cây cơm cháy và cây liễu già mà nàng gọi là “mẹ cơm cháy” và “cha liễu già”, cứ như chúng là người thật, và về những cái bánh gừng. Rồi họ ôn lại câu chuyện tình yêu câm lặng của cặp bánh gừng, chúng đã sống cùng nhau và bị tan vỡ như thế nào. Mỗi khi nàng cất nụ cười tươi, Knud thấy tim chàng đập mạnh và máu rạo rực trong huyết quản. Nàng dường như thật gần gũi xiết bao, nàng nói với cha mẹ giữ chàng ở lại chơi suốt buổi tối hôm ấy, rồi rót trà mời chàng. Nàng đọc một đoạn về tình yêu trong một cuốn sách, Knud nghe như đoạn văn đang nói đến chính tâm trạng của chàng, tình yêu của chàng. Nàng hát một bài hát quen quen, qua chất giọng tuyệt vời ấy, bài hát bỗng trở thành một câu chuyện thật, hệt như nàng đang trải lòng mình qua từng nốt nhạc.
“Nàng hiểu tình yêu của ta mà” – Knud lặng đi, không thốt được lời nào nữa.
Lúc chia tay, nàng siết chặt tay chàng và nói: “Knud thân yêu, anh hãy mãi là một người tốt thế này nhé”. Chàng đã thức suốt đêm với những gì có được trong buổi tối hạnh phúc ấy.
Rồi hàng đêm, sau những giờ làm việc dưới ánh nến, chàng lại lang thang qua con phố nơi gia đình Joanna đang sống, nhìn lên cửa sổ phòng nàng. Hầu như trên đó lúc nào cũng có thắp đèn. Một lần nàng ban cho chàng một ân huệ được nhìn thấy cái bóng của nàng in trên chiếc rèm che mờ sáng. Bà chủ nhà bắt đầu phàn nàn vì những chuyến về khuya của chàng, ông chủ thì xem ra vẫn còn thông cảm.
Knud nghĩ thầm: “Joanna yêu dấu, chủ nhật này gặp lại, ta sẽ nói với em tất cả những gì chứa đựng trong trái tim và linh hồn này, em nhất định là vợ của ta. Ta biết mình chỉ là một thợ giầy nghèo, nhưng ta sẽ gắng sức làm việc và phấn đấu để trở thành ông chủ. Chúng mình đều biết một mối tình câm sẽ không đem lại kết quả gì cả. Câu chuyện những chiếc bánh gừng dạy thế mà”.
Chủ nhật chàng đến thì gia đình nàng lại vừa được mời đi dự một cuộc vui bên ngoài thành phố. Joanna nắm tay chàng hỏi “Anh đến nhà hát bao giờ chưa? Anh phải đến đó một lần đi. Thứ tư này em sẽ hát ở đấy, hôm ấy, nếu anh rỗi em sẽ gửi tặng anh một vé”. Ôi, nàng tử tế làm sao! Đến trưa thứ tư, chàng nhận được một phong bì dán kín, bên ngoài chẳng có chữ nào ngoài con dấu, nhưng trong là một cái vé. Buổi tối ấy là lần đầu tiên Knud vào một rạp hát. Trên sân khấu có một Joanna lộng lẫy, chàng thấy nàng lấy một người lạ, là kịch thôi mà. Không thế thì chắc chắn nàng chẳng nỡ lòng nào lại gửi cho chàng một cái vé để chàng được tận mắt trông thấy cảnh tượng ấy. Mọi người vỗ tay và lớn tiếng khen ngợi còn Knud thì hét lên để cổ vũ nàng. Chàng thấy tận mắt chính đức vua cũng mỉm cười với Joanna, có vẻ ngài thích nghe nàng hát lắm. Knud cảm thấy mình thật bé nhỏ. Nhưng chàng yêu nàng biết bao, và nghĩ nàng cũng yêu mình. Và người đàn ông phải ngỏ lời trước, cô gái bằng bánh ngọt chẳng đã nghĩ thế mà. Câu chuyện trẻ con ấy dạy chàng biết bao điều.
Chủ nhật sau Knud đến khi trong nhà chỉ có một mình Joanna, một dịp may hiếm có.
“May quá, đang định nhắn cho anh, nhưng em đoán thế nào tối nay anh cũng đến. Chẳng là, em đang chuẩn bị đi Pháp, thứ sáu này sẽ khởi hành. Em muốn trở thành một nghệ sỹ hàng đầu và đó là nơi tốt nhất”.
Knud tội nghiệp cảm thấy con tim như muốn vỡ. Không có nước mắt, nhưng tất cả nỗi buồn đã hiện ra trên khuôn mặt chàng.
“Anh rất tốt bụng và thật thà, Knud yêu quý…”. Nàng chưa dứt câu thì tất cả những yêu thương trong Knud bỗng bật ra và nói thành lời trên đôi môi chàng. Nhưng mặt Joanna chuyển sang sắc tái. Nàng buông thõng tay, trả lời chàng rành rọt pha chút buồn rầu: “Đừng làm khổ cả hai ta, vì sẽ chẳng có kết cục nào đâu Knud yêu quý. Em sẽ mãi là một người em gái tin cậy của anh, nhưng không thể có gì xa hơn thế”. Rồi nàng đặt bàn tay trắng mềm lên vầng trán nóng bỏng của Knud và nói “Chúa cho chúng ta sức mạnh để vượt qua tất cả, nếu chúng ta cố gắng để vượt qua”.
Đúng lúc ấy người mẹ kế của nàng đi vào. Joanna vờ nói nhanh “Knud rất buồn vì con phải đi xa”. “Hãy làm một người đàn ông đi nào” – nàng tiếp, tay đặt lên vai chàng “Anh còn trẻ con lắm, giờ anh phải ngoan như khi chúng mình còn bé, cái ngày còn chơi với nhau bên gốc liễu ấy nhé”.
Knud nghe mà tưởng như trời sa đất sụp. Hồn chàng như một sợi chỉ tơ mất hướng bay phất phơ trong gió. Chàng đứng lặng, chẳng nhớ nổi là lúc đó người ta có mời chàng ngồi lại hay không, nhưng chàng nhớ Joanna tốt bụng có hát cho chàng nghe một lần nữa. Khúc hát với chất giọng ngọt ngào ấy giờ không còn ở cái cung bậc lúc trước, nhưng vẫn làm tim chàng òa vỡ. Chàng đứng lên ra về, quên cả chìa tay cho Joanna. Nhưng nàng hiểu ý và nói: “Anh không định bắt tay em gái trước khi xa cách sao, anh trai thơ ấu?”. Hàng nước mắt lăn trên gò má nàng như những cảnh chia tay thường thấy, nàng nhắc lại “Anh trai”. Rồi họ chia tay nhau.
Nàng lên tàu sang Pháp, còn Knud ở lại lang thang trên các con phố lầy lội của Copenhaghen. Những người thợ bạn của Knud chứng kiến nỗi u uất trong chàng. Một đôi lần chàng thử theo họ đến dạ hội khiêu vũ. Nhưng đôi mắt nào chàng thấy cũng là mắt Joanna, giọng nói nào chàng nghe cũng thành giọng Joanna. Nơi nào chàng nghĩ có thể quên nàng, thì nàng lại càng hiện hữu rõ hơn trong ký ức. “Chúa cho chúng ta sức mạnh để vượt qua tất cả, nếu chúng ta cố gắng để vượt qua”, mỗi lần nghĩ đến những lời này, mắt chàng lại sáng lên những tia hy vọng.
Đông tới, mặt nước đóng băng, mọi thứ như bị chôn vùi trong giá lạnh, chết chóc. Nhưng khi xuân về, khi con tàu đầu tiên lại ra khơi, Knud bỗng thấy muốn lang thang xa khắp thế giới, bất cứ nơi nào miễn không phải là nước Pháp của Joanna. Và chàng gói ghém lên đường, hành trình đầu tiên xuyên qua nước Đức. Hết thành phố này sang thành phố khác, nhưng không đâu Knud tìm thấy sự thanh thản, bình yên. Mãi khi đến thành phố Nuremberg, chàng mới thấy bình tĩnh lại được đôi chút. Chàng dừng lại trên đôi chân rã rời và quyết định lưu lại đây.
***************
Nuremberg là một thành phố cổ kính diệu kỳ, hệt như nó được lấy ra từ một cuốn truyện tranh cổ vậy. Nơi đây phố xá cứ tùy ý mà chạy ngoằn ngèo, ngang dọc, nhà cửa thì mọc chẳng cần theo hàng lối gì. Những đầu hồi có kèm thêm một ngọn tháp nhỏ, những mái lượn, trụ nghiêng có thể thấy ở khắp nơi, kể cả ở cổng thành. Những mái nhà dị thường, vòi nước hình rồng hay hình những chú chó ngộ nghĩnh đua nhau vươn ra cả đường phố.
Knud vai khoác ba lô, dừng chân gần một cái vòi nước cũ đang phun lên dòng nước lấp lánh. Bên tường được trang trí rất đẹp bằng vài hình vẽ các nhân vật lịch sử hay trong kinh thánh. Một người hầu gái xinh đẹp vừa đổ nước vào đầy đôi thùng, liền mời chàng uống một chút nước mát. Chị tặng Knud một bông trong bó hoa hồng đang cầm trên tay, như đem đến cho chàng một điềm lành. Từ ngôi nhà thờ lớn gần kề vẳng đến tiếng nhạc, giai điệu quen thuộc chợt nhắc chàng nhớ đến tiếng organ nhà thờ ở Kjoge quê nhà. Chàng muốn cầu nguyện nên băng qua đường đến đó. Ánh nắng xuyên qua những cửa sổ bằng kính sơn màu, chiếu sáng đôi cây cột cao mảnh dẻ. Đức tin tràn ngập tâm trí Knud và bình yên về lại trong tâm hồn chàng.
Người ta ngăn đường hào cũ bao quanh bức thành cổ và chuyển chúng thành một số vườn rau nhỏ, nhưng những bức tường thành cao thì vẫn sừng sững với những ngọn tháp nặng nề. Mé trong những bức tường, những người bện thừng đang xoắn dây thừng dọc lối đi, hệt như trong một triển lãm. Trong kẽ nứt của những bức tường, cây cơm cháy mọc thành từng đám xanh rậm rạp, vươn cành lên trên nóc những mái nhà nhỏ. Một trong những ngôi nhà ấy là nhà ông chủ vừa nhận thuê việc Knud.
Một cây cơm cháy vươn cành qua ô cửa sổ nhỏ ở cái gác xép nơi chàng ngồi. Knud lưu lại đấy suốt mùa hè và mùa đông. Nhưng khi xuân đến, chàng bỗng thấy cái cảm giác dường như không chịu đựng được một thứ gì đó trong tim. Cây cơm cháy trổ hoa, cái mùi hương thơm ngát bỗng gợi nỗi nhớ nhà. Nó làm cho Knud nhớ về hai mảnh vườn nhỏ ở Kjoge. Thế là chàng từ giã nơi ấy đi tìm một người chủ khác xa hơn trong thành, nơi không có những cây cơm cháy.
Nơi làm việc mới của chàng kề ngay bên một cây cầu đá cũ, phía dưới là một dòng suối ngày ngày chảy làm quay một chiếc cối xay nước ầm ĩ. Đối ngược với khung cảnh ấy, gần kề đó là những căn nhà cũ kỹ với ban công đổ nát, như sẵn sàng rơi xuống nước bất kỳ lúc nào. Ở đây không có những cây cơm cháy, thậm chí chẳng có lấy một cái chậu cây cảnh. Nhưng ngay đối diện xưởng làm việc là một cây liễu già bám rễ vào vườn nhà như để khỏi bị dòng nước cuốn đi. Cây liễu rủ nhánh xuống suối, hệt như cây liễu trong vườn ở Kjoge tỏa bóng xuống dòng sông. Đúng là Knud định tránh “mẹ cơm cháy” thì lại gặp phải “cha liễu già”. Những tối sáng trăng chàng cảm thấy có cái gì đó buốt lạnh chạy thẳng vào tim. Vẫn cái cảm giác không thể chịu đựng được nữa ấy, thứ tình cảm mà chỉ có cây cơm cháy đương hoa hay cây liễu già kia biết rõ! Sau tất cả những chuyện này, chàng đành tạm biệt Nuremberg để đi tiếp cuộc hành trình.
Knud đơn độc giấu câu chuyện về Joanna tận sâu trong tim chàng. Giờ chàng cũng đã hiểu rõ cả những ý nghĩa ẩn sâu trong câu chuyện hai chiếc bánh xưa. Tại sao chàng trai bánh gừng lại có một hạnh nhân đắng bên tay trái? Knud biết mình mang hương vị đắng của hạnh nhân. Trái lại, Joanna lúc nào cũng ngọt ngào, vì nàng cũng bằng đường và mật hệt như cô gái trong câu chuyện ngây thơ kia. Trong hành trình của mình, mỗi khi ý nghĩ của chàng dừng lại ở đây, Knud bỗng thấy chiếc quai ba lô như xiết chặt lồng ngực đến nghẹt thở. Chàng nới chiếc quai ra một chút, nhưng chẳng thấy đỡ hơn. Chàng nhìn thấy thế giới tách thành hai nửa, một nửa hiện hữu xung quanh, nửa còn lại đeo nặng theo chàng suốt đời vào trong từng ý nghĩ. Chính cái nửa bên trong ấy là thứ đã khiến chàng phải rời bỏ Nuremberg.
Một lần chàng thấy trước vẻ hùng vĩ của những đỉnh núi cao, thế giới trở nên nhẹ nhàng hơn đôi chút. Chàng thấy dãy núi Alps giống như đôi cánh của trái đất đang gấp lại. Khi xòe ra, chúng sẽ là một bức tranh với các sắc màu của bóng tối, biển cả, mây mù và băng tuyết. “Cuối cùng, trái đất rồi cũng xòe đôi cánh rộng ấy để bay vút lên cao, nổ tung ra như bong bóng xà phòng trước ánh sáng chói lòa của đấng Chúa trời”, chàng nghĩ lan man, rồi thở dài “Cuối cũng thì hôm nay đã là ngày tận thế chưa nhỉ?”
Chàng lặng lẽ lang thang qua một miền lạ thuộc dãy Alps. Cả một miền rộng lớn trông như một vườn cây ăn quả được phủ đất mềm. Từ trên ban công những căn nhà gỗ, các thiếu nữ đang ngồi thêu áo gật đầu chào khi chàng đi qua. Những đỉnh núi cao bừng sắc đỏ trong buổi chiều hoàng hôn, phản chiếu xuống những hồ nước nằm ngay dưới những vòm cây tối sẫm. Ý nghĩ trong chàng quay về với bờ biển trên vịnh Kjoge. Đó là thứ đẹp đẽ duy nhất vẫn nằm trong trái tim chàng mà chẳng gây ra nỗi đau. Ở đó, là nơi con sông Rhine đổ ra như một con sóng lớn rồi tan thành những bông tuyết trắng, nơi những cụm mây ngũ sắc lung linh như thể nó vừa được sinh ra ngay trên sóng, nơi những chiếc cầu vồng run rẩy như một dải ruy băng trước gió. Chàng có thể đã sẵn lòng lưu lại ở một trong những thành phố đâu đó bên bờ sông Rhine tươi đẹp. Nhưng ở đó có quá nhiều những cây cơm cháy, quá nhiều những cây liễu.
Chàng tiếp tục ra đi, qua những con đường như mạng nhện chằng chịt trên vách núi. Những con đường trên cao đến mức mây cũng ở dưới chân người. Chàng lang thang qua nơi có giống hoa hồng Alps, nơi có những cây kế sữa, nơi có tuyết lạnh mùa đông, nơi có ánh nắng mùa hè. Từ giã những xứ phương Bắc, chàng đi theo những con đường rợp bóng nho quấn quít lấy những cây hạt dẻ, chàng đi tới những cánh đồng ngô. Giờ thì núi non hiểm trở như một bức tường thành vĩ đại giúp ngăn cách chàng với những gì có trong ký ức, như chính chàng vẫn thường mong tự mình có thể làm được.
Cuối cùng chàng thợ giày của chúng ta đến thành phố Milan rộng lớn huy hoàng. Một ông chủ người Đức thuê chàng làm việc. Cả hai vợ chồng ông lão đều thật hiền lành. Hai người rất mến anh thợ ngoan đạo, lặng lẽ, nói ít mà làm nhiều. Knud tưởng như Chúa đã giải thoát gánh nặng cho tâm hồn chàng. Chàng thường leo lên tận cùng trên nóc giáo đường làm bằng cẩm thạch trắng, để ngắm nhìn xung quanh. Knud thấy trong khung cảnh ấy những hình vẽ, những tháp nhọn, tường cao của quê hương chàng ở phương Bắc. Từ mỗi góc nhà, hốc tường xa xa, những pho tượng như luôn mỉm cười với chàng. Phía trên là trời cao xanh biếc, phía dưới là thành phố và đồng bằng trải rộng bát ngát xứ Lombardy, xa nữa là những ngọn núi cao tuyết phủ. Chàng nhớ tới nhà thờ Kjoge, nhớ tới những bức tường đỏ phủ đầy hoa trường xuân. Nhưng giờ chàng không còn muốn về lại nơi ấy. Chàng muốn được chết đi và chôn vùi ở dưới những núi cao của chốn này.
Thấm thoắt đã ba năm trôi đi kể từ ngày rời bỏ xứ sở, cũng là một năm trên đất Millan.
Một hôm ông chủ nhà đưa chàng đi chơi phố, đến một rạp hát trong một tòa nhà lớn với phong cảnh nguy nga tráng lệ. Rạp hát được bày trí với sân khấu ở chính giữa, những tầng ghế trải từ mặt đất đến tận gần trần nhà, rèm cuốn bằng lụa mỏng, những ghế ngồi sang trọng cho các quý bà có hoa hồng cài sẵn. Các quý ông ăn mặc xa hoa và lịch lãm. Khung cảnh bên trong sáng rực như dưới mặt trời, nhạc điệu hoành tráng vang lên khắp tòa nhà. Knud liên tưởng đến khung cảnh đơn sơ trong rạp hát ở Copenhaghen quê nhà, liên tưởng một chút đến Joanna. “Chắc nàng vẫn thường hát ở những chốn như thế này…”
Thế rồi, cứ như một phép màu, quả đúng là nàng cũng đang ở đó. Khi tấm màn sân khấu được vén lên, Joanna nghiêm trang trong bộ đồ diễn lụa là gắn đầy vàng bạc, chiếc vương miện lộng lẫy trên đầu. Nàng đứng đó, cất tiếng hát như giọng của một thiên thần. Rồi nàng bước lên phía trước mỉm cười, vẫn là nụ cười ấy, dường như nàng nhìn thẳng vào Knud. Knud tội nghiệp bám vào tay ông chủ, chàng nghẹn ngào “Joanna”, nhưng chẳng ai nghe thấy tiếng chàng trừ ông chủ nhà, vì nơi đây âm nhạc đang ở bên trên tất thảy.
“Phải rồi, đó là cô Joanna”, ông chủ nói, tay giơ ra tờ giấy mời và chỉ vào tên nàng được in rõ ràng đầy đủ. Vậy là không phải trong mơ. Tất cả cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt, tung từng vòng hoa lên sân khấu về phía nàng. Mỗi khi nàng lui vào trong, người ta lại tung hô tên nàng, rồi cứ thế nàng lại ra diễn những tiết mục của mình.
Ra đến ngoài đường phố, đám đông vây kín quanh cỗ xe ngựa của nàng, cứ thế họ đẩy cho cỗ xe đi. Knud đứng ngay hàng đầu, chàng hét lên sung sướng. Khi cỗ xe dừng trước ngôi nhà rực rỡ ánh đèn, chàng len vào đứng ngay cửa xe. Cửa mở, nàng nhẹ bước ra, ánh sáng chiếu trên gương mặt thân quen, nàng mỉm nụ cười dịu dàng như để cảm ơn những người hâm mộ. Knud nhìn thẳng vào gương mặt nàng, và nàng nhìn lại chàng, nhưng ánh mắt ấy không nhận ra chàng. Một quý ông trong trang phục xa hoa với ngôi sao lấp lánh trên ngực giơ tay ra đón nàng. Người ta nói họ đã đính hôn.
Knud về nhà gói ghém lại ba lô. Chàng thấy cần phải trở về ngôi nhà của tuổi thơ, với cây cơm cháy, với cây liễu già. Phải rồi, dưới bóng liễu già ấy, người ta có thể sống lại cả cuộc đời chỉ trong một giờ.
Vợ chồng ông cụ chủ nhà giữ chàng ở lại với họ, nhưng vô ích. Họ nhắc chàng mùa đông sắp đến, tuyết đã bắt đầu rơi trên núi. Nhưng chàng trả lời, rằng chàng sẽ lần theo vết xe ngựa để thấy đường, rằng chẳng cần gì ngoài chiếc ba lô trên lưng, lối đi nằm trên đầu cây gậy, chàng sẽ nhanh chóng về được đến nhà. Rồi Knud bắt đầu hành trình qua các núi đèo, hết lên rồi lại xuống. Chàng đi mãi về phương bắc cho đến khi bắt đầu kiệt sức mà không thấy nhà cửa, làng mạc. Những vì sao sáng mãi trên đầu chàng, ánh sáng tỏa xuống thung lũng lấp lánh, như có một bầu trời khác ngay dưới chân chàng. Chàng thấy mình hoa mắt, bước chân vấp ngã. Ánh sao phản chiếu dưới thung lũng ngày nhiều lên và sáng hơn, chàng thấy chúng chuyển động qua lại, và đoán chắc rằng có một ngôi làng xa đâu đây. Thu hết sức tàn, chàng cố đi về hướng ấy và tìm được chỗ trú chân tại một quán trọ nghèo. Chàng ở lại đó đêm ấy và suốt cả ngày hôm sau. Chàng cần được nghỉ ngơi cho hồi phục, khi ấy trong thung lũng cũng đang có mưa và băng tuyết tan. Nhưng đến sáng sớm ngày thứ ba, một ông già đi tới với cây organ, ông chơi một giai điệu quê nhà thân quen. Knud không thể nào lưu lại lâu hơn nữa, chàng lại lên đường đi về phương Bắc. Ròng rã bao ngày chàng vội vã như sợ rằng tất cả mọi người thân nơi quê nhà sẽ chết trước khi chàng kịp về tới nơi. Những tâm sự cứ lặng lẽ trong lòng. Không ai tin, không ai hiểu được nỗi buồn trong tim chàng, một nỗi đau sâu nhất có thể thấy được từ con người. Nỗi đau ấy không dành cho thế giới, không dành cho sự chia sẻ của tình bạn. Và chàng, một người đàn ông không bạn bè, một con người đơn độc lang thang trên những miền đất lạ mong tìm về quê hương. Knud nhận được duy nhất một lá thư từ gia đình, đã vài năm trước. “Con không phải là một người Đan Mạch như chúng ta đang ở nhà. Chúng ta yêu miền đất của mình, còn con chỉ yêu những miền đất lạ”
Một buổi đêm chàng đi theo con đường rộng, miền đất quanh chàng bằng phẳng hơn, có ruộng nương và đồng cỏ. Tiết trời đang rét đậm. Một cây liễu to mọc ngay bên đường, mọi thứ gợi cho Knud cảnh vật chốn quê nhà. Mệt mỏi, chàng ngồi xuống gốc cây và gục đầu nhắm mắt ngủ thiếp đi. Chàng vẫn nhận ra cây liễu vươn cành tỏa bóng bên trên mình. Trong cơn mơ cây liễu dường như một người lớn tuổi khỏe mạnh – “cha liễu già” đang ẵm trên tay đứa con trai mệt mỏi của mình và đưa nó về nhà, về mảnh vườn tuổi thơ bên bờ biển Kjoge yên tĩnh. Và chàng mơ thấy đây thực sự là cây liễu trong vườn nhà Kjoge của chàng. Chính nó đã đi khắp thế giới để tìm chàng, giờ đã thấy chàng và sẽ mang chàng về ngôi vườn nhỏ bên dòng sông thơ ấu. Ở đó có Joanna thiên thần, với chiếc vương miện vàng trên đầu giống như lần cuối chàng nhìn thấy, nàng đang đứng dang tay đón chàng trở về. Và chàng cũng thấy xuất hiện đôi tình nhân ấy, trông giống con người hơn rất nhiều so với hình ảnh của họ ngày chàng còn ấu thơ. Họ đã thay đổi nhiều, nhưng chàng vẫn nhận ra đó là hai chiếc bánh, một người đàn ông, một người phụ nữ. Họ đang phơi bày ra gương mặt tốt nhất của mình trước thế giới muôn màu, họ thật đẹp.
“Cảm ơn anh”, họ nói với Knud, “Anh đã dạy cho chúng tôi biết, hoặc là những ý nghĩ cần được nói ra thành lời, hoặc là sẽ chẳng có gì đến với ta. Và giờ tình yêu đã đến, chúng tôi đã đính hôn”. Nói rồi họ bước đi, tay trong tay, băng qua những đường phố của Kjoge. Trông họ thật đáng trân trọng, trong gương mặt tốt đẹp nhất mà họ đã phơi bày ra trước đời. Họ rảo bước về phía nhà thờ, Knud cùng với Joanna theo sau, hai người cũng tay trong tay. Và ở đó, là ngôi nhà thờ cổ kính tường đỏ, phủ đầy những bụi hoa trường xuân màu xanh.
Cửa nhà thờ lớn mở rộng. Họ bước trên lối giữa vào giáo đường, trong tiếng nhạc mềm mại từ cây organ. “Mời ông bà chủ lên trước”, rồi đôi tình nhân bánh nhường chỗ cho Knud và Joanna. Khi họ quỳ trước bệ thờ Chúa, Joanna ngả đầu về phía KnuKnud, khóe mắt nàng lăn ra những giọt lệ lạnh buốt rơi trên mặt chàng.
Đó thực sự là những giọt lệ băng giá trong tim Joanna được tình yêu quật cường của chàng làm tan chảy. Những giọt lệ trên má làm chàng bừng tỉnh.
“Đó là giờ phút hạnh phúc nhất trong đời ta, dẫu chỉ là một giấc mơ”, chàng nói, “Nào, hãy để ta mơ lại lần nữa”. Rồi chàng nhắm đôi mắt một lần nữa, bắt đầu lại một cơn mơ.
Gần về sáng, tuyết bắt đầu rơi nhiều, tuyết theo gió phủ lên mình chàng. Nhưng chàng vẫn ngủ. Dân làng bắt đầu đi lễ nhà thờ sớm, họ trông thấy bên đường một người thợ ngồi yên. Người thợ đã chết, cái chết đóng băng dưới bóng cây liễu già…