Tìmlạiánhsángbằngđôibàntay
Tìm lại ánh sáng bằng đôi bàn tay
SinhThanh.XtGem.Com
Tìm lại ánh sáng bằng đôi bàn tay
- Câu chuyện về người thanh niên tìm lại ánh sáng bằng nghề tẩm quất đã làm nhiều người ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh phải khâm phục! Đó là anh Nguyễn Xuân Thành, trú tại xóm 4, Nông trường 20/4.
Đi tìm niềm vui sống
Sinh năm 1982, trong gia đình 4 anh em, bố là bộ đội phục viên, mẹ là công nhân xí nghiệp chè, ngay từ khi chào đời cậu bé Xuân Thành đã kém may mắn: Đôi mắt bị dị tật bẩm sinh. Bố mẹ đưa đi chữa trị ở nhiều bệnh viện từ tỉnh đến trung ương, nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu bởi đôi mắt ấy đã không còn khả năng phục hồi.
Kể từ khi biết đôi mắt của mình không thể sáng trở lại, cậu bé Xuân Thành đã sống trong sự kì thị với chính bản thân mình, cùng những trò đùa vô tâm của bạn bè cùng trang lứa. Đối với Thành, tuổi thơ là những giọt nước mắt và những kỷ niệm buồn...
Năm 2003, Thành được giới thiệu tham gia Hội Người mù của huyện. Gia nhập Hội, Thành được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, nói lên được những tâm tư, tình cảm với người cùng cảnh ngộ. Rồi những buổi giao lưu văn nghệ, “tiếng hát từ con tim” được cất lên, nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt u buồn của chàng trai 21 tuổi.
Hạnh phúc hơn, Thành và nhiều hội viên đã được học chữ nổi chữ Brai dành cho người khiếm thị. Anh đã có thể đọc được sách để mở mang kiến thức và lấy lại niềm vui, niềm lạc quan.
“Đối với những người khiếm thị, biết chữ, biết đọc sách là cả một niềm hạnh phúc lớn lao, làm thay đổi suy nghĩ và cách sống, giúp chúng tôi tự tin hơn!” - Thành tâm sự.
Tháng 5/2006, Thành được cử đi học nghề tại Trung tâm phục hồi chức năng cho người khiếm thị của tỉnh. Thành đã chọn nghề tẩm quất cổ truyền, bấm huyệt và giác hơi chữa bệnh. Cũng tại đây Thành đã tìm được “nửa kia” của mình. Đó là chị Lê Thị Minh, hội viên Hội Người mù huyện Hương Sơn.
Chị Minh may mắn hơn anh Thành khi đôi mắt vẫn thấy ánh sáng và mặt người, dù lúc tỏ lúc mờ. Tình yêu giữa họ nảy nở trong niềm vui của anh chị hội viên và gia đình. Chị Minh đã chăm sóc và động viên anh Thành trong thời gian học nghề. Gần 6 tháng học nghề trong muôn vàn khó khăn, bởi phải mằn mò từ động tác, lần tìm và bấm huyệt.
“Thời gian đầu cực lắm. Nhiều hôm thực hành mỏi nhừ tay mà không xong một động tác. Mình chỉ muốn bỏ về. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, thầy cô và các cô chú trong hội đã gửi gắm niềm tin nên lại cố gắng. Cuối cùng mình cũng đã tìm được ánh sáng nhờ đôi bàn tay này”-Thành tâm sự.
Bắt đầu cuộc sống mới
Được cấp chứng chỉ nghề, Thành cùng Lê Thị Minh tổ chức đám cưới và bắt đầu cuộc sống mới. Đôi vợ chồng trẻ quyết định mở quán tẩm quất ngay tại thị trấn. Quán mở ra thu hút được khá đông khách. Đến đây, ngoài sự phục vụ nhiệt tình chu đáo, khách hàng còn được biết nghị lực của những con người kém may mắn nhưng đã vượt lên số phận.
Hàng ngày phục vụ vài chục lượt khách với đơn giá 15.000đồng / 60 phút - 5.000 đồng cho một lần giác hơi và 10.000đồng cho mỗi lần mát xa. Hằng ngày vợ chồng anh mở quán từ 7giờ sáng cho tới 12 giờ đêm; thu nhập mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng.
Có khách hàng vì đau ốm, mệt mỏi gọi điện yêu cầu phục vụ tại nhà, vợ chồng Thành nhiệt tình đến tận nơi phục vụ. Vợ chở chồng với hộp đồ nghề đến tận nhà người bệnh đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc đối với nhiều người dân ở thị trấn Hương Khê.
Khi tôi hỏi về những dự định tiếp theo, Thành cho biết: “Sắp tới vợ chồng anh sẽ vay vốn của Hội để mở rộng quán; vừa phục vụ khách hàng vừa dạy nghề, tạo việc làm cho các anh chị em khác trong Hội. Mình cũng đã từng như họ mà!”. Ước mơ của vợ chồng Thành là ngày càng có nhiều hội viên có được việc làm và có thu nhập ổn định.
Từ một người khuyết tật Thành đã vươn lên số phận để khẳng định mình, tìm lại ánh sáng cho cuộc đời. Sự quyết tâm và lòng yêu nghề đã giúp mình vượt lên số phận.
Được biết, Hội Người mù huyện Hương Khê được thành lập năm 1995, đến nay đã thu hút 320 hội viên. Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội cho biết: Đã có hơn một nửa anh chị em hội viên có việc làm và thu nhập ổn định.
Ông Xuân cũng cho biết thêm: Sắp tới mô hình quán tẩm quất của vợ chồng anh Thành sẽ được mở rộng để tạo điều kiện cho nhiều hội viên khác có việc làm, tự nuôi sống bản thân và hòa nhập với cộng đồng.