VàoĐạihọcrồilàmgì?
“Vào Đại học đi! Rồi muốn làm gì thì làm!” – Đây là câu cửa miệng của các bậc phụ huynh, thầy cô mỗi lần muốn răn đe con em mình. Tuy nhiên, vào được Đại học, mấy ai đã thoát ra khỏi định nghĩa “muốn làm gì thì làm” = “ăn, chơi, ngủ, nghỉ” để trở thành một sinh viên thực sự năng động trong môi trường Đại học?
Phải vào Đại học
Thuở bé chúng ta thường bảo nhau, cố gắng lên cấp hai đi, nhìn các anh chị cấp hai có nhiều trò vui lắm.
Lên cấp hai, khi hỏi về một số vấn đề hóc búa, khó giải thích hoặc tế nhị, chúng ta thường được nghe người lớn bảo, cháu/trò còn bé, lên cấp ba đi rồi sẽ biết. Chúng ta háo hức chờ lên cấp ba.
Lên cấp ba, chúng ta bắt đầu làm quen nhiều hơn với mạng internet, với điện thoại di động, đã bắt đầu được cầm vào tay lái xe máy. Chúng ta hiểu nhiều hơn và biết lắm trò hơn, nhưng cũng là lúc cha mẹ và thầy cô nhồi nhét cho chúng ta tư tưởng “vào Đại học”. Bạn thích đi chơi, thầy cô nói không và bảo: “Vào Đại học đi rồi muốn làm gì thì làm!”. Bạn ngồi xem vô tuyến, mẹ bạn giằng lấy cái điều khiển và nhắc: “Đi học bài! Vào được Đại học đi rồi muốn làm gì thì làm”! Tất cả bạn bè của bạn đều muốn “vào Đại học”, bố mẹ muốn bạn “vào Đại học”, cả họ nội họ ngoại muốn bạn “vào Đại học”, thầy cô muốn bạn “vào Đại học”. OK, luyện thi vất vả, bạn đã vào được Đại học. Rồi làm gì?
Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc.
Nỗi thất vọng
Vũ Đức Trí Thể là một chuyên gia đào tạo ở TGM, đơn vị tổ chức khóa học “Tôi Tài Giỏi” ở Việt Nam. Trong một buổi tọa đàm thân mật, một bạn sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế giơ tay hỏi anh: “Anh ơi, trong suốt 4 năm học Đại học em không tham gia bất kỳ một hoạt động hay đi làm thêm gì hết, vậy bây giờ em phải lấy gì để điền vào CV xin việc đây anh?”. Khi anh hỏi ngược lại những bạn sinh viên có mặt ở trong hội trường, rằng ai cũng ở trong tình trạng như vậy, thì có khoảng 60% cánh tay giơ lên. Anh đã phải ngăn mình không hét lên vì thất vọng. Thất vọng vì sự bị động và lười biếng, thất vọng vì tư duy “mì ăn liền” – không cần làm gì cũng có người dâng của đến cho mà ngồi “rung đùi hưởng ngọt” – của sinh viên.
Ở đại học FPT, sinh viên sẽ tham gia một giai đoạn thực tập kéo dài 8 tháng vào học kì thứ 6. Các bạn cũng phải viết CV, cũng học cách phỏng vấn xin việc, nên phần nào tôi hiểu được tâm trạng của anh Trí Thể. Nhưng trách gì được các bạn ấy đây? Từ tiểu học đến trung học rồi lên Đại học, thậm chí đến lúc ra đi làm, quãng đời nào các bạn ấy cũng được cha mẹ, thầy cô định hướng cho rồi, có bao giờ các bạn ấy cần phải chủ động đâu?
Tôi từng gặp một số đàn anh đàn chị kêu gọi thống thiết lên với các em sinh viên rằng: Các em ơi các em phải có lẽ sống, các em sống phải có mục tiêu, phải lên kế hoạch cho tương lai của các em! Vâng, nhưng từ bé đến giờ mấy ai trong số “chúng em” được dạy cho cách lên kế hoạch cho tương lai, em làm sao hiểu được lẽ sống và mục đích sống khi mà nhiều bậc anh chị vào đời trước em cả chục năm cũng không hiểu được? Các doanh nghiệp thì kêu lên rằng sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại. Vậy các em đã lãng phí 4 năm học Đại học ư? Vào Đại học rồi em làm gì?
Học trường không hơn học đời
Những ngày đầu ở Đại học, có một thầy giáo đã nói với tôi, rằng những điểm số hay tấm bằng Đại học chỉ là cái để đánh giá sự phát triển của sinh viên trong một giai đoạn ngắn. Những kiến thức mà chúng ta học được từ nhà trường sau khi tốt nghiệp giỏi lắm dùng được 10%. Theo tiến sĩ tâm lý học Kurt Mortensen, cái mà sinh viên nhớ về trường Đại học không phải là kiến thức, mà là những thầy cô giáo họ thích, cách thầy cô ấy ăn mặc, phong cách giảng bài và chấm điểm của thầy cô ấy. Vậy Đại học không nên chỉ là nơi để hàng ngày chúng ta đến trường, cố ôn bài cho tốt để kiếm lấy một tấm bằng đẹp, mà nên là nơi chúng ta trau dồi các kỹ năng sống và làm việc.
Kiến thức cứng chúng ta học từ trường lớp có thể lỗi thời đi sau một vài năm, thậm chí một vài tháng như chiếc điện thoại di động, nhưng kỹ năng mềm thì không. Đi đâu mà bạn chẳng cần phải biết cách giao tiếp, tìm kiếm thông tin, nói trước đám đông, làm việc đồng đội hay kiểm soát căng thẳng. Những kiến thức này có được từ việc tham gia các Câu Lạc bộ, tổ chức các hoạt động, các sự kiện và hơn cả là tham gia các cuộc thi. Đó không chỉ là những nơi có ích cho việc học tập và trau dồi kỹ năng sống cho chúng ta, mà còn là nơi để mở rộng các mối quan hệ có ích cho công việc sau này, cũng tăng thêm cơ hội tìm kiếm được một người bạn tâm giao phù hợp.
Stephen Covey trong cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” có nói: “Suy nghĩ tạo hành vi, hành vi tạo thói quen, thói quen tạo tính cách, tính cách tạo số phận”. Nếu bạn không tìm được một sự kiện hoặc một câu lạc bộ để tham gia, hãy tự tổ chức lấy một cái. Nếu không đủ tự tin và dũng cảm để tổ chức, hãy tham gia vài khóa học kỹ năng mềm để biết cách tổ chức. Mỗi người có thể có ước mơ lớn nhỏ khác nhau, nhưng ai chẳng muốn sau này mình có một cuộc sống tốt, với thu nhập tốt, chăm lo cho người bạn đời và con cái của mình tốt. Bạn cần phải cấy vào đầu mình suy nghĩ rằng: Sau này tôi muốn có một cuộc sống hơn người, tôi phải làm những điều mà người khác không làm.
Để kết, tôi xin mượn lời của nhà văn Phan Việt viết về tuổi trẻ:“Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”.
Đừng lãng phí những năm Đại học, những năm tuổi trẻ đẹp nhất của bạn trong sự nhàm chán của chiếc máy vi tính, những quyển giáo trình và những ngày vật vã tự hỏi rằng “Sao mãi mà mình không có người yêu”?
Cơm rang (Theo Cóc đọc số 46, 9/2012)