Ngườidạycáchtìmhạnhphúc...
Bị suy sụp sau cái chết của một người thân trong gia đình, nhưng Greg Johnson ở California, Mỹ đã tìm lại được niềm tin cuộc sống.
Dù còn đau buồn và lo lắng, nhưng anh cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn bởi một cảm xúc bất ngờ: lòng biết ơn. Anh biết ơn những gì người thân đã khuất dạy cho anh, biết ơn tình yêu và sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp. Và anh bắt đầu nhìn cuộc sống theo một cách mới, bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, tươi trẻ hơn.
Điều kỳ lạ là anh đã tìm thấy cảm xúc mới này từ một khóa học “Sự sáng tạo và làm chủ bản thân” của giáo sư nổi tiếng Srikumar S. Rao, người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu động lực làm việc. “Khóa học đã giúp tôi thay đổi quan điểm về cuộc đời và công việc” - anh tâm sự.
Giáo sư Rao từng giảng dạy tại Trường kinh doanh Columbia, Trường kinh doanh London, Trường quản trị Kellogg và nhiều trường đại học danh tiếng khác. Trong các buổi học, ông dạy sinh viên cách gắn bó hơn với công việc và khám phá ý nghĩa sâu sắc của nó. Ông giúp sinh viên khám phá mục tiêu cá nhân của họ, sự sáng tạo và con đường đến với hạnh phúc thông qua công việc.
Trong lớp học, giáo sư Rao dạy học viên cách hình thành những thái độ mới, những tư duy mới, học hỏi những hình mẫu mới để tận hưởng niềm hạnh phúc từ nơi làm việc và cuộc sống cá nhân đem lại. Johnson kể một hôm trong lớp học, giáo sư Rao bắt đầu nói về lòng biết ơn.
Ông nói mọi người đều có sự lựa chọn riêng khi họ phản ứng với những biến cố trong cuộc sống và ở nơi làm việc. “Trong bất cứ biến cố nào, dù trong tình huống khó khăn hay nguy kịch đến đâu thì vẫn luôn có những thứ đáng để ta cảm nhận thấy lòng biết ơn và hạnh phúc”.
Giáo sư Rao chia lớp học, thông thường có 30 học viên, thành các nhóm thảo luận nhỏ. Ông yêu cầu các học viên hãy liệt kê từ hai đến ba sự việc mỗi tối mà họ cảm thấy biết ơn. “Giáo sư nói với chúng tôi hãy suy nghĩ thật sâu, đừng hời hợt. Hôm sau, mỗi sinh viên phải chú ý xem cách tư duy đó thay đổi họ như thế nào, và thay đổi cách họ cảm nhận những người khác như thế nào”.
“Nếu bạn không nhận thức được mục tiêu của bản thân, không thỉnh thoảng cảm thấy bừng bừng khí thế ở nơi làm việc và không biết ơn sâu sắc vận may lớn của mình thì bạn đang lãng phí cuộc sống - giáo sư Rao khẳng định - Và cuộc sống quá ngắn ngủi để lãng phí”.
Bản thân giáo sư Rao từng là một doanh nhân trước khi chuyển sang giảng dạy. Ông từng giữ chức quản lý tại Công ty Warner Communications và Công ty Data Resources. Đầu thập niên 1990, ông từng rơi vào tình cảnh chán chường khi dạy học tại một trường vô danh: “Tôi luôn cảm thấy hối tiếc và thương hại chính bản thân mình”. Nhưng đến một ngày, cuộc đời ông thay đổi. Khi đó một sinh viên đứng lên đặt cho ông một câu hỏi. “Lúc ấy tôi đã nghĩ cô sinh viên này thật dốt nát” - giáo sư Rao nhớ lại.
Nhưng sau đó ông được biết cô sinh viên đó đang làm một lúc hai công việc, nhưng vẫn cố sắp xếp thời gian để đi học. Sự ngán ngẩm của ông chuyển thành sự cảm thông sâu sắc. “Tôi nghĩ rằng lẽ ra tôi nên cảm thấy biết ơn vì cô sinh viên đó đã đứng lên đặt câu hỏi, và phải nhận ra rằng công việc của tôi là chứng minh mình có thể khiến cô ấy và các sinh viên khác cảm thấy hào hứng trong lớp học” - ông cho biết. Và ông bắt đầu nghiên cứu đề tài hạnh phúc tại nơi làm việc.
Giáo sư Rao luôn nhắc nhở học viên hãy cẩn trọng với thói tư duy thụ động và để cho ngoại cảnh tác động. “Lối tư duy nếu... thì, ví dụ như nếu tôi có thêm tiền thì có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn, hay nếu sếp của tôi vui vẻ hơn thì tôi sẽ làm việc tốt hơn... là lối tư duy rất lệch lạc - ông khẳng định - Bởi nó luôn đặt điều kiện ngoại cảnh, chữ nếu, vào vị trí kiểm soát kết quả”.
“Giáo sư đã giúp các sinh viên muốn thay đổi hiện trạng có cái nhìn mới về sự nghiệp, quyết định công việc và cuộc sống” - ông Adam Berman, quan chức Trường kinh doanh Berkeley, nhận định. Nếu các ý tưởng của giáo sư Rao có vẻ đơn giản thì theo Johnson, bởi chân lý cuộc sống thường đơn giản. “Bài học lớn nhất tôi nhận được từ khóa học là những điều quan trọng nhất trong cuộc sống thường đơn giản, nhưng không có nghĩa là dễ dàng”.