Mặccảmvì"ởnhàchồngnuôi"
Nhiều anh chồng không coi việc chăm con, nội trợ của vợ là một nghề để trân trọng và yêu thương vợ.
Liếc hộp kem trị nám có giá hơn 900 nghìn đồng, Liễu tần ngần một lúc rồi đi thẳng. Liễu sợ ‘lõm’ tiền chợ rồi phải xin ‘trợ cấp’ từ chồng, vì từ ngày có con mọn, Liễu tạm thất nghiệp.
Nếu mấy năm trước, Liễu (cô giáo mầm non ở một trường tư) có đồng nào “xào” đồng ấy (vào đầu tóc, quần áo, son phấn) thì bây giờ, tiền bạc luôn được cô cân đo từng xu. “Chồng mình khuyên vợ nghỉ hẳn công việc để ở nhà bồi bổ, có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái” – Liễu kể. Vì phải phụ thuộc kinh tế chồng nên những khoản chi tiêu cá nhân, Liễu tự nguyện cắt hẳn.
Hôm trước, Liễu mua cái quần bò mới nhưng khi mang về, mặc không đẹp thì tiếc ngẩn ngơ. May sao, vài hôm sau, Liễu rao bán được trên mạng. “Thế là lại có thêm tiền mua sữa cho con” – Liễu hồ hởi. Liễu kể, nếu “báo cáo” với chồng khoản này đi chợ, khoản này trả điện nước, khoản kia mua đồ cho con... thì không sao. Chứ nếu bảo cái này em mua kem dưỡng da, tiền kia mua váy mới thì Liễu thấy ngài ngại. Cho dù thu nhập của chồng Liễu không đến nỗi nào. Bản thân anh cũng không khắt khe với vợ trong chuyện làm đẹp.
“Tiết kiệm được chút nào hay chút ấy. Đằng nào mình cũng ở nhà suốt, có ra ngoài mấy đâu. Chỉ cần sắm một bộ đẹp khi nào đi đâu mặc là ‘ok’. Chứ xin tiền chồng làm đẹp mãi, mình mặc cảm lắm, như là đang ăn bám chồng ấy” – Liễu bộc bạch.
Cùng cảnh “ở nhà chồng nuôi”, song cũng cần khoản riêng làm đẹp như bao phụ nữ khác, Yến (quận 1, TP HCM) đôi khi, tự ái vì phải “ngửa tay” xin tiền chồng. Bình thường, chồng Yến xởi lởi, dễ tính, vợ tiêu gì không tiếc. Nhưng khi “canh chẳng ngọt”, anh bắt đầu căn vặn những lời khó nghe: “Lương đưa bao nhiêu mà cơm không đủ ăn. Suốt ngày quần với áo” hoặc “Sắm gì mà nhiều thế. Mặc đến bao giờ cho hết”.
Tệ hơn, có lúc Yến không được chồng tin tưởng. Tiền kiếm được, ngoài khoản sinh hoạt phí cho gia đình, còn lại bao nhiêu chồng Yến tự giữ, Yến cũng không biết được.
Nên có công việc để phòng bất trắc
Nhiều phụ nữ chỉ tạm thời ở nhà trông con. Khi con lớn, họ sẽ đi làm trở lại. Nhưng cũng có nhiều hoàn cảnh, người vợ phải lệ thuộc hoàn toàn kinh tế vào chồng. Nếu chẳng may “vớ” phải chồng có tính cân đo đong đếm thì cuộc sống lứa đôi cũng dễ rạn vỡ. Chưa kể, do quan niệm, nhiều anh chồng không coi việc chăm con, nội trợ của vợ là một nghề để trân trọng và yêu thương vợ. Không ít người vợ muốn độc lập kinh tế nhưng vì hoàn cảnh phải ở nhà nên dễ stress, cáu gắt hoặc trở nên tự ti, buông thả bản thân khiến chồng chán ngán.
Giải pháp tốt nhất là người vợ nên có công ăn việc làm hợp với hoàn cảnh. Nếu là lý do bắt buộc phải ở nhà thì nên trao đổi với chồng xem sẽ ở nhà bao lâu, khả năng tìm việc sau này thế nào, kinh tế gia đình có ổn không... Nếu đã thỏa thuận xong thì người chồng cần tôn trọng vợ, còn người vợ cũng nên biết quý trọng bản thân (ở nhà không có nghĩa là sống “tầm gửi” vào chồng).
Nên để chồng thấy những khó khăn riêng để chồng trợ giúp. Tránh ôm đồm hết việc nhà mà chồng sinh hư. Cũng không nên lười chăm sóc cơ thể vì tuy ở nhà thì phụ nữ vẫn cần làm đẹp đúng cách. Làm đẹp giúp chị em tự tin, yêu đời, nhờ thế mà việc nuôi con, chăm chồng – yếu tố quan trọng cho hạnh phúc cũng tốt lên.
Theo Mevabe.net.vn