Nhữngngườivượttrênsốphận
Những người vượt trên số phận
SinhThanh.XtGem.Com
Những người vượt trên số phận
- “Nghề thêu đã mang lại cho em không chỉ một công việc mà còn cho em cả một cuộc sống mới. Bọn em biết ơn chú Xuân nhiều lắm. Chú ấy giống như một ông Bụt vậy” – chị Ngô Thị Hoa, nhân viên xưởng thêu doanh nghiệp Vạn Xuân đã nói như vậy về người giám đốc của mình. Tập thể doanh nghiệp của những người khuyết tật này thật xứng đáng với câu nói của Bác: tàn nhưng không phế, chiến thắng những nỗi đau số phận.
“Không có rào cản nào không thể vượt qua”.
Đây là tâm niệm cả đời của người thương binh nặng Nguyễn Công Xuân. Chính suy nghĩ này đã làm thay đổi cả cuộc đời anh, giúp anh đứng lên trên định mệnh nghiệt ngã.
Sinh năm 1960 trong một gia đình đông con tại vùng quê nghèo Bắc Giang, Lương Công Xuân xung phong đi bộ đội khi vừa tròn hai mươi tuổi và trở thành lính công binh. Bị thương nặng hai lần vào năm1981, 1982 khi làm nhiệm vụ phá đá mở đường biên giới, chàng trai trẻ khỏe ngày nào bỗng trở thành một người tàn tật mất tới 81% sức lao động. Trở về với chiếc nạng gỗ, mắt còn mắt hỏng, cùng khuôn mặt biến dạng đầy vết sẹo, anh thương binh hạng 1/4 đã vượt qua nỗi mặc cảm tàn phế với niềm ham sống mãnh liệt.
Mưu sinh trong thời buổi người khôn kẻ khó đã không đơn giản với một người khỏe mạnh bình thường, chứ chưa nói đến một thương binh nặng như anh. Không nghề nghiệp, không sức khỏe, trong mỗi đêm không ngủ do trái gió trở trời bị các vết thương hành hạ, Lương Công Xuân lại trằn trọc suy nghĩ tìm cho bản thân mình một công việc phù hợp để có thể tự nuôi sống bản thân. Làm gạch, bánh mì, bánh nướng rồi đến làm may, mỗi lần thất bại, anh lại quyết tâm đứng lên không lùi bước. Dường như chưa bao giờ người lính này chịu thua số phận.
Từ 16 nghìn đến hai tỉ đồng.
Nghề đầu tiên anh chọn là đóng gạch. Đây qủa là một sự liều lĩnh như chính anh thừa nhận vì nghề làm gạch đòi hỏi sức khỏe tốt, trong khi anh vừa chống nạng vừa dẵm đất, nhiều lần tưởng như ngã khụy không thể tiếp tục được. Sau thất bại với hai mẻ gạch non, anh quyết định rời quê hương tìm một nghề nghiệp mới với số vốn ít ỏi 16 nghìn đồng. Vào miền Nam học làm bánh mì, sang Hải Dương học làm bánh đậu xanh, và cuối cùng là học may ở đất Hà Thành.
Nghề may có vẻ khá nhẹ nhàng nhưng thực ra cũng là một thử thách lớn cho anh. Vơí một bên mắt hỏng và một chân chống nạng, anh đánh vật với việc xâu chỉ và đạp máy.
Mới đầu, cửa hiệu của anh không có khách vì mọi người sợ người thợ may có khuôn mặt biến dạng, dữ dằn tòan sẹo này. Nhưng cuối cùng chính bằng thái độ chan hòa, trung thực cùng sự cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ, Lương Công Xuân đã chinh phục được những khách hàng khó tính. Tuy đã có đông người đặt may nhưng anh vẫn chưa bằng lòng với chính mình, tiếp tục đi học may cao cấp và hòan thành chương trình sư phạm dạy nghề của trường Đại học Công nghiệp Hưng Yên.
Từ năm 1992, Lương Công Xuân bắt đầu mở lớp dạy nghề cho con em thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Cuối năm 2003, anh thành lập trung tâm dạy nghề Tân Xuân với nửa số vốn vay lãi xuất của ngân hàng, và sau đó là doanh ngiệp Vạn Xuân. Vạn Xuân ra đời là kết tinh là những ước mơ, và sự cố gắng không ngừng nghỉ của anh cùng tập thể nhân viên.
Ai cũng ngỡ ngàng khi chỉ với 16 nghìn ban đầu, hiện vốn liếng của anh đã lên tới 2 tỷ đồng với 60 nhân viên thuộc hai bộ phận thêu, dệt, đồng thời tạo việc làm cho gần 3 ngàn lao động nữ thuộc huyện Yên Dũng với nghề đan móc sản phẩm sợi. Hiện doanh nghiệp của anh với các sản phẩm thêu và sơn dầu đã được giới thiệu rộng rãi tại các hội chợ trong và ngoài nước, xuất khẩu sang Indonexia, và đang có dự định mở rộng thị trường vì được rất nhiều bạn bè quốc tế quan tâm.
Vực dậy những người cùng số phận
Công nhân doanh nghiệp Vạn Xuân đều có hòan cảnh rất đặc biệt. Họ là những người khuyết tật, có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 15 đến 27 tuổi. Ban đầu, khi mới về công ty, ai cũng lạ lẫm, tự ti. Nhiều em còn òa khóc. Thế mà giờ đây, tất cả đã trở thành một gia đình, mà người cha của họ chính là vị giám đốc nhân từ Lương Công Xuân. Biết tiếng anh, nhiều người tận Hà Tĩnh cũng lặn lội đưa người thân bị khuyết tật đến xin được vào làm trong công ty và đều được anh vui vẻ chấp nhận.
Tất cả những người này khi đến doanh nghiệp Vạn Xuân đều được đào tạo để có một nghề trong tay, được có một công việc ổn định và được đóng bảo hiểm xã hội. Với thu nhập năm đến sáu trăm ngàn đồng một tháng, được đảm bảo nơi ăn ở, công nhân doanh nghiệp Vạn Xuân đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, không còn mặc cảm. Để dạy nghề cho họ, anh Lương Công Xuân đã mời giáo viên thêu ở Quất Động – Hà Tây, giáo viên dạy vẽ tranh sơn dầu từ Hà Nội về. Cả thầy và trò đều phải rất cố gắng vì đối tượng tiếp nhận là những người đặc biệt. Anh Hòang Như Long, giáo viên dạy vẽ tranh sơn dầu tâm sự: “Dạy cho người bình thường khó một, dạy cho các em ở đây khó mười. Nhiều em câm điếc chỉ có thể giảng giải bằng động tác không thể nói bằng lời. Các em lại hay bị ốm, không lên lớp được thường xuyên nên việc dạy và học chậm, cả thầy và trò đều cần phải rất kiên trì. Tuy nhiên, tất cả các em đều rất nhiệt tình, khiến mình gắn bó với công ty từ lúc nào không hay”.
Nếu chỉ nhìn vào sản phẩm, không ai ngờ, những bức tranh thêu, sơn dầu đẹp đẽ, tinh tế đến từng đường nét lại là sản phẩm của người khuyết tật. Một bức tranh thêu, với những người công nhân Vạn Xuân phải thêu trong ba tháng. Tuy nhiên, ai cũng hết sức chú tâm vào công việc, cố gắng hết sức mình. Chính vì thế, tuy đây là doanh nghiệp của người tàn tật nhưng sức phấn đấu vươn lên không hề kém các doanh nghiệp bình thường khác. Chị Phan Thị Hà, 22 tuổi, nhân viên công ty đã nói với chúng tôi rằng: “Khi mới vào, em rất ngạc nhiên trước sự năng động của công ty và cảm phục sự hiểu biết của chú Xuân. Đây có lẽ là điều mà ít doanh nghiệp của người tàn tật có được”.
Không chỉ giúp đỡ những người trong doanh nghiệp, vị giám đốc Lương Công Xuân còn mở lớp dạy nghề các cháu con em thương binh, gia đình liệt sĩ, con cháu hội người mù, các cháu có hòan cảnh đặc biệt khó khăn trong huyện. Anh cũng chính là người đã đưa nghề móc sợi về Yên Dũng tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn và lao động nhàn rỗi trong dân cư.
Mong muốn được cống hiến như tất cả những người bình thường khác, Lương Công Xuân và những người khuyết tật ở doanh nghiệp Vạn Xuân xứng đáng là những người đã chiến thắng số phận, “tàn nhưng không phế”.