Thếnàothìgọilàgiỏi?Đọchếtnhé
Thế nào thì gọi là giỏi ? Đọc hết nhéGiỏi có phải là một tính từ để tôn vinh con người? Hẳn rồi, ít ra là người ta thường dùng nó cho những người có năng lực chứ không ai lại dùng nó cho kẻ luôn thất bại, luôn tỏ ra kém cỏi. Nhưng có thật cứ có năng lực là đã giỏi hay không? Giỏi có cần nhiều tiêu chí hay cứ đơn giản là làm thành công cái gì đó là giỏi, bất luận cách thức, mức độ, hoàn cảnh ...?
"Giỏi" là một từ được dùng phổ biến trong mọi loại ngôn ngữ trên thế giới. Lí do rất đơn giản, nó xác lập một phẩm chất, một tiêu chí đánh giá về năng lực con người. Nó mang tới cho con người cái cảm giác thỏa mãn cái ham muốn đánh giá xã hội và khẳng định bản thân. Khi thấy ai đó luôn làm tốt một công việc gì đó, làm được cái mà ít người làm được hay có nhiều năng lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì người ta nói "ông ta gỏi", "anh ta giỏi", "cô ta giỏi", ... Như vậy có thể thấy "giỏi" trong ngôn ngữ Việt là một tính từ mang tính khen ngợi và tôn vinh. Ấy thế nhưng dùng nó ra sao cho đúng chỗ? Nếu dùng sai chỗ thì có sao không? Nhưng câu hỏi đó chúng ta còn cần phải xem xét.
Tôi còn nhớ thời còn nhỏ, vì sinh ra trong một gia đình làm khoa học và giáo dục nên tôi thường được nghe chuyện kể vầ các khám phá khoa học, các cuộc thám hiểm, các cuộc chiến lớn trong lịch sử. Thường thì những câu chuyện đó do ông nội tôi hoặc bố tôi kể cho tôi, họ dành từ "giỏi" để nói về những nhà khoa học, những nhà cách mạng lớn ...
Sau này tôi để ý rằng từ giỏi hiểu theo nghĩa thông dụng là dành cho những người làm được những điều mà không phải ai cũng làm được. Những điều đó có thể là làm một công việc cụ thể nào đó với hiệu suất cao hơn bình thường, sáng tạo ra một thiết bị hay phương pháp mới trong công việc, cũng có thể là có một kĩ năng đặc biệt mà những ngươi bình thường không có ... Về cơ bản thì điều này có lý. Các nhà khoa học, các nhà cách mạng lớn được coi là giỏi vì họ mang lại những giá trị làm thay đổi xã hội , thé giới quanh mình. Mỗi phát kiến khoa học, mỗi cuộc cách mạng đều đóng góp một phần vào sự biến đổi đời sống của nhân loại.
Mặc dù vậy, nếu từ giỏi chỉ dành cho những bậc vĩ nhân như thế thì e là khắt khe quá... Khi đi học, tôi thấy những bạn học cùng lớp được nhiều điểm cao thường được gọi là học giỏi, hay ngắn gọn hơn là "giỏi", bản thân tôi cũng có một số khoảng thời gian hồi đi học từng được người ta tặng cho cái từ đó. Rồi tôi cũng để ý thấy bố mẹ tôi khen một vài đồng nghiệp ở cơ quan là "giỏi", theo nghĩa là họ giỏi chuyên môn trong công việc của mình. Lúc khác tôi lại thấy người ta dành tặng cái từ đó cho người có quyết tâm, có ý chí và tham vọng, có thể tự tạo dựng nên thành tựu của mình.
Vậy thì có thể tạm tổng kết, "giỏi" là chỉ cái hơn người, có thể là tài năng đặc biệt, có thể là sự thành thạo chuyên môn tới một mức độ nào đó. Nhưng mà như vậy thì đã đủ chưa?
Những năm gần đây, xã hội Việt Nam cũng có nhiều cái thú vị, tôi nghe nhiều người dùng từ "giỏi" trong một số hoàn cảnh thế này:
"Chị A giỏi lắm, chạy được cho thằng con vào làm công ty X"
"Thằng B làm ở công ty Y giỏi lắm, lừa gái được hết đứa này đến đứa khác"
"Anh C giỏi lắm, chỉ mỗi tội lười học, lười làm nên mới chưa thành công"
...
Những cái câu đó ngày nay tràn lan trong văn hóa nói của xã hội, người ta bàn những chuyện đó ngoài vỉa hè, trong quán nước, lúc ra chợ mua hàng, lúc ngồi rỗi việc trong các cơ quan cho tới tận lúc ngồi làm với nhau vài cốc bia, chén rượu. Mỗi lần nghe như vậy ở đâu đó tôi lại thấy vừa chán nản vừa hài hước.
Hay thật: chạy chọt và hối lộ cũng được tôn vinh; lừa đảo, hãm hại người khác cũng được ca ngợi; ăn bám xã hội cũng được đồng cảm hay sao?
Đã có nhiều người nói rằng tôi khó tính, và rằng đó chỉ là những cách diễn giải bình dân cho phù hợp với xã hội. Tiếc rằng tôi thì không nghĩ như thế. Bình dân là gì? Chẳng qua là sự phổ biến trong xã hội, cái gì hầu như ai cũng biết, ai cũng làm được thì người ta gọi là bình dân. Thế cái chuẩn cho cái sự bình dân có thay đổi không? Tất nhiên là có. Chẳng hạn cách đây khoảng 20 năm, ở Việt nam ra đường người có xe máy là hiếm, mà hồi đó người ta lại còn coi chuyện phụ nữ đi xe máy là vô cùng kì lạ là đằng khác. Do đó hồi đó xe máy là của "nhà giàu", còn bình dân thì chỉ có đi xe đạp, có khi còn là xe đạp rất tồi. Thế nhưng khoảng 15 năm sau thì khác, cái xe máy về cơ bản là thành bình dân vì gia đình nào ở các thành phố, thị xã cũng gần như chắc chắn là có, kể cả ở nông thôn thì tỷ lệ các gia đình có cũng là lớn. Ở các thành phố lớn thì bây giờ điện thoại thông minh, máy tính xách tay cũng bắt đầu thành bình dân trong khi 10 năm trước một chiếc điện thoại di động màn hình đen trắng cũng là thứ đắt tiền không phải ai thích cũng mua được. 10 năm trước đổ về trước, thi vào đại học còn là khó khăn, học sinh học hết phổ thông thi vào được là cũng có ít nhiều tự hào, gia đình cũng thở phào nhẹ nhõm; còn bây giờ thì còn mấy ai không vào được đại học khi mà đề thi đánh vào "cần cù" chứ không đánh vào "thông minh", trường đại học thì mọc lên như nấm: ai cũng lập được trường, cao đẳng hay trung cấp cũng thi nhau nâng cấp thành đại học; thậm chí chẳng riêng đại học mà tới cao học có lẽ cũng sắp thành bình dân mất rồi.
Vài ví dụ vui như vậy, chúng ta thấy rằng cái khái niệm "bình dân" không có một chuẩn cụ thể, chỉ là cái gì mà thông dụng, dễ dùng với mọi người, mọi nhà thì gọi là bình dân. Có những thứ lúc này là xa lạ nhưng lúc khác khi nó trở nên phổ biến thì lại thành bình dân. Muốn một thứ gì đó trở thành bình dân, việc đầu tiên cần làm là hãy đưa nó vào đời sống thường ngày. Nếu anh là trí thức, tại sao anh không trao những ngôn từ của tri thức cho người binh dân, mà anh lại hòa vào họ, cổ súy những cái chưa đúng?
Người ta lại hỏi tôi: nếu mà dùng thế thì cũng có hại gì đâu? Tôi xin khẳng định rằng dùng từ sai hoàn cảnh dẫn tới rất nhiều cái hại, nó có thể ảnh hưởng tới cả nhận thức chung, đạo đức xã hội. Trước đây người ta đã dùng từ "giỏi" để tôn vinh những con người xuất sắc, những con người dù trực tiếp hay gián tiếp đóng góp giá trị vào xã hội, những đóng góp của họ trên bất cứ khía cạnh nào đều phải trả giá bằng sự cố gắng vươn lên, đôi khi còn là cả xương máu. Thế nhưng kẻ hối lộ để được tiện đường cho mình, kẻ lừa gạt người khác để thỏa mãn ham muốn ích kỉ, kẻ ăn bám xã hội vì lười biếng thì không phải đánh đổi, không phải cố gắng gì để có được mục đích của chúng. Chúng cũng không hề thông qua đó đóng góp bất cứ giá trị nào cho xã hội, tất cả những gì chúng hướng tới chỉ là thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Thậm chí những nhu cầu đó còn mang tới tai họa cho xã hội: khi hối lộ để xin việc, chúng tước đi cơ hội công việc của ít nhất một người xứng đáng hơn, và đồng thời chúng đóng góp những sản phẩm tồi vào xã hội; khi lừa đảo, chúng mang tới đau khổ cho những người khác, và một cách gián tiếp có thể chúng còn gây ra nhiều hệ lụy khác mà ngày nay chúng ta gọi là tệ nạn xã hội; khi ăn bám vì lười, chúng làm xã hội ngày một kiệt quệ vì chi trả cho mạng sống thừa thãi của chúng...
Ấy vậy mà nhiều người trong chúng ta lại gán cho chúng một từ vỗn dĩ để tôn vinh: GIỎI. Khi làm như vậy, chúng ta truyền vào xã hội, nhất là những thế hệ trẻ, những tương lai của đất nước rằng: "à, ra thế là giỏi", "nếu không học giỏi được thì làm cái gì khác để giỏi cũng được", "tại sao phải làm những điều khó khăn khi chỉ cần ăn bám và bốc phét vài câu cũng được khen ngợi?", ... Cứ như vậy, cái chuẩn mực về sự tôn vinh ngày càng bị hạ thấp (theo tôi thì bây giờ cũng đã thấp lắm rồi), xã hội không những không đi lên, không sản xuất ra thêm nhiều giá trị nữa mà sẽ ngày càng đi tới suy tàn. Để ngăn được sự suy tàn đó, cần có sự minh bạch trong cái gọi là sự tôn vinh.
Để đánh giá một cá nhân là giỏi cần xét tới những yếu tố nào?
1- Nỗ lực bản thân: cá nhân được tôn vinh có thực sự nỗ lực để đạt tới cái thành quả hay không? Anh ta/cô ta có phải đánh đổi, có sẵn sàng đánh đổi để đi tới cái đích của sự hoàn thiện về tri thức hoặc kĩ năng hay không? Hay anh ta chỉ là kẻ ngồi hưởng lợi từ những giá trị người khác trao tặng?
2- Giá trị đóng góp: người được gọi là "giỏi" có đóng góp vào xã hội những giá trị xứng đáng không? Anh ta/cô ta có mang tri thức tới cho những người xung quanh, có sáng tạo ra những phương pháp hữu ích, có sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn, nhiều hơn người bình thường hay không?
3- Tiêu chí so sánh: giỏi hay không cần được so sánh với một chuẩn mực nhất định xét trên diện rộng, số lượng lớn. Không thể nói anh kĩ sư là giỏi nếu không so sánh anh ta với ít nhất vài chục kĩ sư khác xem các công trình có tốt hơn, hiệu quả hơn không; không thể nói một vận động viên là giỏi nếu anh ta chơi một môn thể thao mà cả thế giới chỉ có vài người chơi nó, hoặc là chính anh ta vừa mới nghĩ ra nó .v.v...
Để xác lập một chuẩn mực cụ thể, thật khó để nói trong một bài viết này. Chuẩn mực cho sự giỏi còn phụ thuộc vào đặc tính mỗi ngành nghề, mỗi môi trường làm việc. Nhưng tôi chắc chắn rằng không có một gã cơ hội, một tên lừa đảo, một kẻ ăn bám nào lại xứng đáng được gọi là giỏi, cái từ chỉ dành cho những con người thực sự xứng đáng.
Mong rằng những lời chia sẻ trên có ích ít nhiều với độc giả. Tôi xin sẵn lòng lắng nghe các ý kiến và phản biện về bài viết trên.
Ngày 27 tháng 3 năm 2013
Đặng Vũ Tuấn Sơn