Chúngtaluônluônđitìmnhữngcâuchuyện
Chúng ta luôn luôn đi tìm những câu chuyện
SinhThanh.XtGem.Com
Xã hội càng phát triển, nghĩa là càng được tổ chức, con người càng sống xa quê hương mình. Bạn không cần đến sống ở New York hay Matxcơva để trở thành người xa xứ. Bạn có thể là người xa xứ ngay trên thành phố mình sinh ra.
Tôi không muốn là người quê mùa hay hoài cổ, than thở về những luồng xe cộ, những chiếc thang máy, những bức tường, những lớp lưới B40 bao quanh lan can một căn hộ cao tầng để phòng trộm trong thành phố chúng ta ở bây giờ. Nhiếp ảnh và điện ảnh đã chứng minh rằng bất cứ khung ảnh nào cũng có thể đẹp nếu biết cách dùng ánh sáng. Thử tưởng tượng tâm tưởng của chúng ta là ánh sáng của nhà nhiếp ảnh. Nếu tâm tưởng ta là thứ ánh sáng lung linh hay đằm thắm, Hà Nội, Sài Gòn hay Frankfurt vẫn có thể đẹp.
Nhưng giữ cho tâm tưởng đằm thắm ở một nơi xa lạ là chuyện không dễ. Bạn dễ yêu một cái cây hơn một bức tường, một cánh đồng trồng dưa hơn một bãi đậu xe, cho dù các nhà thiết kế đô thị, các kiến trúc sư đã bỏ bao nhiêu tiền và tâm trí để làm một bức tường và một bãi đậu xe đẹp, dù bạn đã sống bao nhiêu năm bên cạnh bức tường ấy, bãi đậu ấy đủ để chúng trở nên quen thuộc. Bởi vì bức tường và bãi đậu xe không có câu chuyện nào để kể cho bạn nghe, còn cái cây, cánh đồng dưa thì có. Nếu bạn sinh ra trong thành phố, câu chuyện của cái cây đã nằm trong ký ức của tiền nhân, dù sinh ra ở đâu bạn vẫn nhớ câu chuyện của chúng.
Tôi sống 20 năm ở Đức, mỗi tuần đi chợ hai lần ở siêu thị. Tôi đã quen tất cả những quầy hàng và những thực phẩm bày trên những quầy hàng đó. Những thứ nuôi sống tôi, vậy mà tôi vẫn không có một mối quan hệ nào với chúng, một thứ gì như tình yêu hay là sự biết ơn.
Lần đầu tôi về VN đi chợ quê với em gái. Em tôi trả giá để mua một mớ chanh. Em tôi nói chanh bán mắc. Bà bán chanh nói rằng từ rằm tới giờ trời không mưa. Con gái bà gánh nước tưới từ mé sông đến vườn chanh đi qua một ngọn đồi. Rồi chúng tôi nói chuyện với nhau về vườn chanh, về con sông và căn nhà ở chân đồi.
Buổi tối, khi chúng tôi cắt chanh ăn, trái chanh của tôi có một câu chuyện. Tôi biết nó từ một cái cây mọc ở sườn đồi đất nghiêng, có một cô gái gánh nước tưới vườn chanh, cô dậy rất sớm, quấn khăn che bớt mặt và vai, cô đội nón lá để nắng khỏi ăn da. Tôi hiểu sự quan hệ giữa mình với mặt đất. Trái chanh là quà tặng, không phải là hàng hóa. Tôi là người nhận. Sườn đồi, dòng sông và cô gái gánh nước là người cho.
Những trái chanh được bọc trong bao lưới ở siêu thị chưa bao giờ tạo cho tôi thứ tình cảm đằm thắm này. Tôi chỉ đánh giá chúng ngon hoặc dở, đáng tiền mua hay không. Tổ chức đời sống ở thành phố, trong siêu thị đã cướp lấy những câu chuyện của chúng, cắt mất lịch sử, cắt mất mối quan hệ của chúng với mặt đất. Chúng chỉ còn là hàng hóa thuần túy, tôi ăn chanh nhưng không biết trái chanh từ đâu mà có. Lâu ngày, từ một con người, tôi trở thành một kẻ tiêu thụ, một consumer vô cảm và vô ơn. Tất cả chúng ta đều trở nên nghèo nàn và buồn bã, vì ở trên một quê hương xa lạ – nơi mọi thứ đã đánh mất câu chuyện của mình.
Đoàn Minh Phượng