Conđườngnàođểbạnlàmgiàu?
Con đường nào để bạn làm giàu?
SinhThanh.XtGem.Com
Con đường nào để bạn làm giàu?
Vài năm gần đây, khi biết tôi tham gia lãnh đạo một vài công ty niêm yết, hay phụ trách đầu tư cho một công ty lớn, giảng dạy về vàng và chứng khoán, nhiều bạn bè hỏi: Nên đầu tư vào mã nào? Thời điểm này nên mua hay bán vàng?
Tôi cười và trả lời rất thật lòng là không biết. Tôi cũng không giấu là mình đã từng thua lỗ rất nặng khi đầu tư vào vàng và chứng khoán.
Tôi có tham gia giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư vàng và chứng khoán tại trường Doanh Chủ, TP HCM. Đa số học viên là những người chưa đầu tư bao giờ. Tôi thường bắt đầu bài giảng của mình bằng câu hỏi: “Học viên nào muốn trở nên giàu có?” 100% học viên giơ tay. Câu hỏi tiếp theo là “Học viên nào muốn làm giàu từ đầu tư vàng và chứng khoán?”, khoảng 70% cánh tay giơ lên. “Học viên nào có tiền gửi ngân hàng và có thể đem đi đầu tư từ 1 tỷ trở lên?” Chỉ còn 1-2 cánh tay giơ lên.
Sau đó, tôi bắt đầu bài giảng của mình và đưa ra các số liệu về thua lỗ của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2008, trong đó có những quỹ thua lỗ đến 70% vốn. Câu hỏi cuối cùng của tôi là “Có học viên nào trong lớp nghĩ rằng mình đầu tư giỏi hơn các quỹ đầu tư nước ngoài tại VN?”. Không có cánh tay nào giơ lên hết. Vậy, câu kết luận ở đây là gì? Đầu tư vào thị trường chứng khoán và vàng ở VN hết sức rủi ro. Ngay cả những người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất vẫn có thể thua lỗ. Vậy, bạn có nên đầu tư vào thị trường chứng khoán không?
Câu trả lời là “Nên! Nhưng đừng đầu tư bằng vốn vay, hãy đầu tư bằng một phần vốn mà bạn có. Hãy đầu tư vào những cổ phiếu nào mà bạn am hiểu và có nhiều thông tin nhất. Việc đầu tư này giúp cho cuộc sống của bạn thêm phong phú, bạn sẽ học hỏi và hiểu biết thêm”. Tuy nhiên, nếu như bạn không phải là một người có gia sản kếch xù hoặc được thừa hưởng một gia tài khổng lồ thì chắc chắn, con đường làm giàu của bạn không phải là từ đầu tư vào vàng hay chứng khoán.
Tôi kể lại một chút về con đường nghề nghiệp của mình không phải để khoe khoang mà chỉ để minh chứng cho nhận định ở cuối bài. Sau 5 năm làm việc tại một công ty xăng dầu, tôi được giao nhiệm vụ điều hành kinh doanh gas, thương hiệu S. Hãng gas S. đã có mặt rất sớm trên thị trường và đã có lúc chiếm được thị phần lớn nhất tại VN. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do nhiều lý do, sản lượng gas S. đã giảm xuống rất thấp, thị trường bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ mới gia nhập thị trường, vỏ bình gas bị trả lại rất nhiều và khách hàng mất niềm tin.
Một số khách hàng lớn nhất lúc đó đã ngưng kinh doanh gas S. và chuyển sang mua hàng của các đối thủ cạnh tranh... 6 tháng đầu tiên ở vị trí điều hành kinh doanh gas S., tôi đã dành toàn bộ thời gian đi thăm và gặp gỡ với tất cả các khách hàng từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Tôi đã đề xuất những chính sách kinh doanh phù hợp, tổ chức các Hội nghị khách hàng khu vực, thực hiện các chương trình khuyến mãi và nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng. Đồng thời, tôi đã kêu gọi sự hợp tác của khách hàng, lắng nghe và chia sẽ những khó khăn với khách hàng cũng như ghi nhận những ý kiến đóng góp của họ để hoàn thiện chính sách kinh doanh của công ty.
Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của gas S. được khôi phục và tôi khẳng định được năng lực của mình trong lĩnh vực kinh doanh gas. Chính nhờ sự thể hiện xuất sắc trong việc điều hành kinh doanh gas S., tôi được mời về một công ty gas tư nhân với một số điều kiện rất ưu đãi về cổ phần. Tôi cùng với lãnh đạo công ty gas này đã nỗ lực làm việc và chỉ sau 2 năm, công ty gas này đã trở thành top 5 công ty kinh doanh gas dân dụng lớn nhất ở phía Nam tại thời điểm đó.
Khi rời khỏi công ty, tôi đã bán số cổ phiếu mà mình nắm giữ và thu được một khoản tiền khá lớn. Và hiện nay, khi tham gia vào Ban Tổng giám đốc của PNJ và là Chủ tịch HĐQT của một vài công ty, không tính đến thu nhập từ các khoản đầu tư cá nhân thì tiền lương, tiền thưởng và các khoản thù lao trong hội đồng quản trị của tôi là khá cao so với mặt bằng chung của xã hội.
Tôi cũng biết nhiều trường hợp tương tự. Vào thời điểm vàng son của thị trường chứng khoán, một người bạn của tôi đã được một quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ mời về làm tổng giám đốc và thu nhập được “offer” là không dưới 2 triệu USD mỗi năm. Anh được chào mời hậu hĩ như vậy vì trước đó, được đánh giá là một trong những nhà đầu tư thành công nhất tại thị trường Việt Nam. Rồi một số bạn bè tôi đang làm việc cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đều có thu nhập rất cao và xứng đáng vì họ đã thể hiện được sự chuyên nghiệp và xuất sắc trong vị trí công tác của mình.
Nhìn rộng ra, khi tìm hiểu về những doanh nhân thành công và được đánh giá là giàu nhất trên thị trường chứng khoán của Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta sẽ thấy họ là những người xuất sắc trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Họ toàn tâm toàn ý, tập trung gây dựng nên doanh nghiệp của mình và phát triển, mở rộng nó lên. Họ có thể thông qua thị trường chứng khoán để huy động vốn hoặc đôi khi bán đi một phần cổ phiếu của mình nhưng tất cả những người này, không ai khởi nghiệp là nhà đầu tư chứng khoán. Họ cần một khoảng thời gian làm việc liên tục tập trung ít nhất là trong 8-10 năm để xây dựng thành công doanh nghiệp của mình.
Trong cuốn "Những kẻ xuất chúng", tác giả Malcolm Gladwell đã nghiên cứu về những tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay như Bill Gates, Steve Jobs, ban nhạc The Beatles hay các luật sư thành đạt ở phố Wall... Ông rút ra kết luận rằng những người xuất chúng phải là những người biết nắm bắt được cơ hội do hoàn cảnh, thời đại mang lại và phải kiên trì làm việc, rèn luyện. Không có ai thành công mà không phải trải qua 10.000 giờ luyện tập, tương đương khoảng 8-10 năm.
Do môi trường làm việc của mình, tôi thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ có khát vọng làm giàu cháy bỏng. Một khiếm khuyết phổ biến của họ là rất tin vào các câu chuyện làm giàu nhanh chóng nhờ đầu tư vào vàng, chứng khoán hay địa ốc; họ luôn cố gắng tìm kiếm các cơ hội làm giàu ở bên ngoài; sẵn sàng bỏ công việc mà mình yêu thích và nhảy việc chỉ vì tiền lương chênh lệch vài trăm USD. Họ không nhận ra rằng, con đường để trở nên giàu có đòi hỏi thời gian, sự nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân cũng như trở thành người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Khát vọng làm giàu là hoàn toàn chính đáng. Vậy trong thời đại hiện nay, đâu là con đường làm giàu cho những bạn trẻ mà khởi đầu là 2 bàn tay trắng? Qua chính kinh nghiệm của bản thân cũng như quá trình chiêm nghiệm, nghiên cứu và tìm hiểu về những anh chị, bạn bè xung quanh mình, tôi nhận ra rằng, một trong những con đường làm giàu chính đáng và có cơ may thành công nhất chính là hãy làm tốt nhất công việc mà bạn yêu thích, đam mê. Hãy luôn phấn đấu trở thành một trong những người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Để trở thành một người giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó thì cần phải hội đủ 3 yếu tố: có ước mơ, có thầy giỏi và kiên trì luyện tập. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải nhanh nhạy nắm bắt được các cơ hội mở ra như hợp tác, cộng tác với người khác hoặc tự mình xây dựng và phát triển một hay nhiều doanh nghiệp. Ngay cả khi bạn không thích trở thành doanh nhân hoặc chủ doanh nghiệp thì ít nhất bạn sẽ là một người làm thuê xuất sắc và chuyên nghiệp với chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh
Phó tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận
ST
Tiến sỹ Vũ Minh Khương trong bài viết " Năm mới, nói chuyện đổi mới tư duy" có nhận xét rằng: " Hầu hết các doanh nhân giàu có và có tiếng tăm lừng lẫy đều bắt đầu sự nghiệp của mình bằng SAY MÊ VÀ TÂM HUYẾT TẠO NÊN GIÁ TRỊ MỚI ĐẶC SẮC CHO XÃ HỘI chứ không phải tham vọng làm giàu bằng mọi giá. Sự giàu có dường như là hệ quả chứ không phải là động lực chính yếu cho nỗ lực vươn lên của họ".
SinhThanh.XtGem.Com