Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa cho biết, dựa vào những tài liệu đã từng thu thập được trước đó, kính thiên văn vũ trụ Planck sẽ cho ra đời bức tranh toàn cảnh vũ trụ đầu tiên mà con người từng biết đến.
Bức tranh này không chỉ giúp các nhà khoa học có thể lý giải quá trình hình thành của các ngôi sao và các thiên hà mà còn cho chúng ta biết vũ trụ đã xuất hiện như thế nào sau vụ nổ Big Bang.
Bức tranh này sẽ ghi lại bức xạ phông vi sóng vũ trụ (cosmic microwave background radiation - CMBR) tồn tại trong vũ trụ của chúng ta cách ngày nay 13,7 tỷ năm. Vì vậy, nếu như hình ảnh Ngân hà cho chúng ta biết về hình ảnh một bộ phận của vũ trụ như nó đang tồn tại thì những những bức xạ tàn dư vũ trụ ở phần nền của bức tranh này sẽ thấy về một hình ảnh vũ trụ vào thời điểm nó vừa được tạo ra, trước cả khi có các ngôi sao hay thiên hà.
"Chúng tôi không đưa ra câu trả lời. Chúng tôi mở ra cánh cổng dẫn vào vùng đất hứa và công việc của các nhà khoa học là tìm kiếm những vật báu, cái sẽ giúp họ biết rằng vũ trụ được hình thành như thế nào và nó đã hoạt động ra sao cho đến từ đó đến nay”.
"Bản thân những hình ảnh và chất lượng vượt trội của chúng là một cống hiến của những người kỹ sư đã xây dựng và vận hành kính thiên văn Planck. Và bây giờ, mùa thu hoạch phải bắt đầu”, David Southwood, Giám đốc nghiên cứu trung tâm Khoa học và Người máy của ESA nói.
Từ những phần gần nhất của dải Ngân hà đến những nơi xa nhất về không gian và thời gian, bức tranh toàn cảnh vũ trụ do Planck ghi lại sẽ là một kho tàng dữ liệu cực kỳ giàu có cho các nhà thiên văn học.
Dải Ngân hà nằm ở chính giữa bức tranh, ở phía bên phải chính là chòm sao Orion còn ở hai phần trên và dưới của bức tranh chính là hình ảnh của bức xạ phông vi sóng vũ trụ. Ảnh: Daily Mail.
Trong bức tranh này, chạy dọc ở trung tâm chính là dải Ngân hà của chúng ta. Bao quanh ở trên và dưới dải Ngân hà chính là những vật chất hình sợi được tạo thành từ các hạt bụi lạnh.
Ít ngoạn mục hơn, nhưng thú vị hơn rất nhiều chính là phần nền vằn ở phần trên cùng và dưới cùng của bức tranh. Đó chính là tấm bản đồ của CMBR.
CMBR có thể bao phủ toàn bộ bầu trời, tuy nhiên hầu hết chúng lại bị sự phát xạ của dải Ngân hà che khuất. Vì vậy, chúng phải được loại bỏ bằng kỹ thuật số từ các dữ liệu cuối cùng mới có thể xem được toàn bộ phần nền vi sóng tàn dư vũ trụ.
Khi công việc này hoàn thành, kính thiên văn vũ trụ Planck sẽ cho chúng ta những bức tranh chính xác nhất của CMBR mà trước đây chúng ta chưa từng có được.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Planck sẽ tiếp tục hoàn thiện tấm bản đồ vũ trụ. Đến khi hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2012, Planck sẽ thực hiện 4 lần quét toàn bộ bầu trời. Dữ liệu đầy đủ đầu tiên được ESA dự kiến công bố vào năm 2012.
"Hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy ở hiện tại chỉ là một cái nhìn thoáng qua những gì mà Planck cuối cùng sẽ thấy”, Jan Tauber, một nhà khoa học thuộc Dự án Planck của ESA nói.
Nguồn: Vietnamnet